![]() |
Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế nhà (căn thứ nhất) như một đối tượng độc lập với đất đối với phần giá trị nhà vượt quá từ ngưỡng 700 triệu (phương án khác là từ quá 1 tỷ đồng) trở lên với mức thuế đề xuất là 0,4% (phương án khác là 0,3%), trong khi nhà gắn liền với đất, thuế đất Nhà nước đã thu và người dân còn chịu thêm những loại thuế, phí khác (VAT, phí trước bạ…). Hơn nữa, hầu hết nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp hiện có giá thấp nhất cũng khoảng 770 triệu đồng/căn (TP. Hồ Chí Minh), với ngưỡng bắt đầu phải chịu thuế này, nhiều chuyên gia cho rằng thuế tài sản đánh vào người nghèo, thuế chồng thuế.
Thuế là một công cụ quản lý và vận hành xã hội của Nhà nước, đánh thuế tài sản trên thế giới người ta đã thực hiện, Việt Nam làm theo thông lệ thế giới như Bộ Tài chính giải trình cũng không có gì là sai. Vấn đề là thu vào thời điểm nào, thu như thế nào cho hợp lý, công bằng và phải giải trình thuyết phục cho người dân. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chưa làm được điều này.
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế cho rằng: Những đối tượng phải chịu tác động trực tiếp bởi sắc thuế tài sản (người dân và doanh nghiệp) phải được biết rõ ràng, cụ thể hơn mức thuế Bộ Tài chính đề xuất 0,4% là dựa trên căn cứ nào? Ai sẽ thực thi quy trình định giá, phương thức định giá thế nào, các công cụ định giá, tính thuế, thu thuế ra sao? Đó còn chưa kể ô tô, máy bay, tàu thuyền cũng được Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản, song chúng đều là loại “tiêu sản” - giảm giá theo thời gian sử dụng kể cả khi giá đất tăng lên, Bộ Tài chính lấy gì làm chuẩn neo giá các tài sản này, thời gian bao lâu thì điều chỉnh giá và điều chỉnh như thế nào? Ngoài ra, thu thuế phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, vậy thuế tài sản sẽ thực hiện như thế nào, bằng cách nào…?
Tất cả những vấn đề nêu trên đều cần phải làm rõ ràng, minh bạch, song chưa giải trình thuyết phục thì Bộ Tài chính đã công bố. Ông Vũ Đình Ánh nhận xét, dự án Luật Thuế tài sản Bộ Tài chính chuẩn bị vội vàng, thiếu chu đáo, lập luận, giải trình chưa thuyết phục từ nhiều góc độ cần thiết.
Người dân không sợ thuế, song họ chỉ chấp nhận ở chỗ nó có hợp lý hay không. Đây chính là nguyên nhân cứ khi nào Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế, đánh thuế mới thì dư luận lại dậy sóng. Theo chuyên gia kinh tế - bà Phạm Chi Lan, khi đề xuất tăng thuế, đánh thuế, Bộ Tài chính phải chứng minh được là để phục vụ lại cho người dân, giải trình cho người dân tin tưởng vào tính minh bạch về thu, chi ngân sách, như vậy họ sẽ sẵn lòng đóng thuế. Không chỉ đối với đánh thuế tài sản, bà Lan cho rằng, việc đề xuất tăng thuế môi trường xăng dầu mới đây cũng không giải trình thuyết phục, thiếu minh bạch nên nhiều người dân đã phản ứng tiêu cực với đề xuất của Bộ Tài chính.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu - một chuyên gia về tài chính ngân hàng cho rằng, có rất nhiều cách cân đối ngân sách không bắt buộc phải thu thuế tài sản thời điểm này. Chẳng hạn, lãng phí trong đầu tư công, bộ máy hành chính cồng kềnh khiến chi thường xuyên cao, thất thoát ngân sách, tham nhũng vẫn còn, điều chỉnh đầu ra ngân sách tốt sẽ giảm áp lực hành thu. Thực tế cho thấy, tổng chi năm 2017 khoảng 1 triệu tỷ đồng, riêng chi thường xuyên chiếm tới 70%. Đã có ý kiến cho rằng, chỉ cần tiết kiệm 3% chi thường xuyên hiện nay là đã có khoảng 21.000 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành - Đồng Nai (dự kiến kinh phí 23.000-25.000 tỷ đồng)./.
TIN LIÊN QUAN | |
![]() | Không đề xuất đánh thuế với ngôi nhà từ thứ hai trở đi |