Một hướng đi đúng
Theo Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã huy động, thu hút trên 57.600 tỷ đồng (tương đương 2,62 tỷ USD) để đầu tư kết cấu hạ tầng, các công trình động lực phục vụ phát triển KKT Vân Đồn; trong đó, có 70% vốn xã hội hóa, 30% vốn nhà nước - chủ yếu bằng hình thức đầu tư công - tư (PPP).
Các dự án đã tạo ra diện mạo mới, hiện đại, đồng bộ cho Vân Đồn, phát triển các loại hình dịch vụ - du lịch, trong đó điểm nhấn là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, các tuyến đường trục chính đấu nối khu chức năng, hạ tầng cảng biển, đưa điện ra các xã đảo…
Năm 2020, tổng số vốn được phân bổ thực hiện các dự án trên địa bàn huyện Vân Đồn là gần 447 tỷ đồng. Trong đó, có 20 công trình chuyển tiếp từ nguồn vốn tỉnh và huyện, 36 dự án đang chờ thẩm định khởi công. Đây đều là những dự án, công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tạo động lực mới để địa phương phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Vân Đồn sẽ sớm trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí |
Tuy nhiên, thực tế với sự phát triển nhanh chóng của Vân Đồn, nhiều vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển, quy hoạch cũ khiến nhà đầu tư muốn mở rộng triển khai xây dựng thêm các công trình có quy mô lớn cũng khó có thể triển khai được. Quy hoạch cũ lại trở thành rào cản cho sự phát triển của KKT Vân Đồn.
Tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn đến năm 2040 trở thành KKT biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino..., một nhân tố quan trọng trong mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025 của tỉnh Quảng Ninh.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Vân Đồn có dân số khoảng 140.000-200.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 90.000-140.000 người. Nhu cầu đất sử dụng khu chức năng khoảng 5.500ha. Đến năm 2040, dân số tăng lên khoảng 300.000-500.000 người, nhu cầu sử dụng đất khu chức năng là 12.050ha.
Cấu trúc phát triển không gian KKT Vân Đồn chia theo 2 vùng, gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải; định hướng thành 5 vành đai phát triển gồm: Vành đai nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; vành đai du lịch sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên; vành đai đô thị dịch vụ, văn hóa và vui chơi giải trí (khu vực phía Đông đảo Cái Bầu); vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần (khu vực phía Tây đảo Cái Bầu) và vành đai dự trữ phát triển mở rộng phía Tây (thuộc địa giới TP Cẩm Phả và huyện Tiên Yên)...
Theo ông Tạ Đức Quyết, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Vân Đồn, quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn đến năm 2040 là bức tranh chung cho toàn huyện Vân Đồn, thành phố biển trong tương lai. Một quy hoạch tương đối đầy đủ nhất trong toàn bộ chiến lược, thể hiện hết mong muốn của tỉnh và các doanh nghiệp.
Quy hoạch chung mới trở thành cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng, phân bố dân cư, phân bố đô thị, không gian các khu chức năng, hạ tầng đồng bộ, đảm bảo môi trường sống bền vững. Có thể thấy, quy hoạch chung đến 2040 của KKT Vân Đồn đã tháo nhiều nút thắt để thu hút đầu tư mở ra cơ hội phát triển lớn có tính đột phá cho Vân Đồn, tiếp tục tạo ra thế và lực để đưa vùng đất này phát triển.
Cần sớm có kế hoạch chi tiết
Theo các chuyên gia, việc cần làm ngay để thực hiện hóa quy hoạch của các đơn vị chức năng tại KKT Vân Đồn đó là triển khai các phân khu quy hoạch chi tiết, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối sân bay, đường cao tốc, quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, đầu tư, tài nguyên môi trường….đúng theo thời hạn. Việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thủ tục đầu tư mới, các dự án trọng điểm là giải pháp trọng tâm, tạo động lực phát triển KKT Vân Đồn, thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Ông Mạc Thành Luân, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết: Với chức năng, quyền hạn được giao, địa phương sẽ bám sát vào định hướng, quy hoạch phát triển của KKT Vân Đồn để tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, tài nguyên, đất đai, xây dựng. Đặc biệt là đã chú trọng đẩy nhanh tiến độ GPMB đối với các dự án trọng điểm đã có nhà đầu tư; đồng thời tạo ra quỹ đất sạch để tỉnh thu hút, xúc tiến đầu tư.
Trước thời cơ mới từ việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn đến năm 2040, các nhà đầu tư tại đây đều đã có những kế hoạch khai thác tối đa giá trị mở rộng quy mô, nâng cao năng lực các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng của mình. Điển hình như dự án sân bay Quốc tế Vân Đồn của Tập đoàn Sun Group đang dự kiến phát triển thêm nhiều hạng mục thành phần nhằm khai thác tối đa lợi thế của dự án này. Đồng thời, các nhà đầu tư khác cũng đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án lớn như: Khu công nghiệp Y - Dược công nghệ cao; Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas; du lịch sinh thái tại xã đảo Ngọc Vừng; Khu dân cư đô thị Ocean Park…
Tỉnh Quảng Ninh cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công đối với những dự án có tầm nhìn chiến lược, tạo sức bật cho các dự án khác, như: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp có casino; đường trục chính khu đô thị Cái Rồng; đường nối sân bay với khu phức hợp nghỉ dưỡng Vân Đồn…và đề xuất các ý tưởng đột phá nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương như phát triển đô thị xung quanh khu vực sân bay Vân Đồn, các khu công nghiệp công nghệ cao…Điều này hứa hẹn đem đến diện mạo mới, hiện đại, đồng bộ, tiếp tục tạo động lực quan trọng cho các kế hoạch thu hút đầu tư mới của Vân Đồn nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Tương lai phát triển của Vân Đồn còn rất lớn và tràn đầy hy vọng, vì vậy cần có sự kết hợp đồng bộ, sự chung tay của các cấp, các ngành, đặc biệt là Ban Quản lý khu kinh tế của tỉnh và huyện Vân Đồn để sớm có các cơ chế chính sách, nguồn lực, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thật sự thông thoáng, có tính cạnh tranh cao thu hút được nhiều các nguồn lực đầu tư từ xã hội và các nhà đầu tư chiến lược.