1/6 là Ngày Quốc tế thiếu nhi, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Với Người, “trẻ em như búp trên cành” cần được chăm sóc tận tình, chu đáo về mọi mặt. Tình yêu thương của Bác Hồ dành cho thiếu niên, nhi đồng là tình cảm yêu thương vô bờ bến, là một tình cảm sâu sắc, rộng lớn xuất phát từ niềm tin rằng các cháu sẽ trở thành lớp người tiếp tục sự nghiệp của cha ông, những người trực tiếp xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh, văn minh.
Niềm tin, sự quan tâm của Bác được thể hiện phần nào qua những vần thơ, bức thư chan chứa tình cảm Người viết cho thiếu niên, nhi đồng, với lời lẽ ân cần, trìu mến, chí tình. Người căn dặn các cháu phải ngoan ngoãn, đoàn kết, thi đua, học tập, lao động, chú ý rèn luyện cả về nhân cách và thể lực để trở thành công dân có sức khỏe và tiến bộ. Người đã đặt niềm tin yêu vào những chủ nhân tương lai của đất nước, rằng: “… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu…”.
Trong mỗi giai đoạn của cách mạng cũng như của cuộc đời đầy cống hiến và hy sinh của mình, trẻ em luôn là lớp “công dân đặc biệt” được Bác dành sự quan tâm sâu sát. Chăm lo cho thế hệ trẻ, cho trẻ em thể hiện trong phong cách sống, trong đạo đức, trong tầm nhìn chiến lược và khoa học của Người.
Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1/6/1950) trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước và gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng. Từ đó, hàng năm cứ đến ngày Tết thiếu nhi và Tết Trung thu, thiếu nhi cả nước lại hân hoan đón thư chúc mừng của Bác Hồ.
Bác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Ảnh: Tư liệu |
Sau đó, trong Di chúc của mình, Bác cũng 2 lần nhắc đến nhi đồng. Đoạn mở đầu, Bác viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp 2 miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Ở đoạn kết, Bác lại viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.
Hiện nay, nước ta đang có trên 25 triệu trẻ em, chiếm khoảng 1/4 tổng dân số. Trong những năm qua, thực hiện tư tưởng và Di chúc của Bác Hồ, hệ thống chính sách về trẻ em đã từng bước được hoàn thiện. Trong đó phải kể đến khi Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em.
Đáng chú ý hơn, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để khẳng định các quyền của trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Điển hình như: Luật Trẻ em 2016, Luật Giáo dục 2019, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 và nhiều chương trình, đề án về phát triển toàn diện trẻ em đã, đang được thực hiện hiệu quả trên địa bàn cả nước.
Điều vui mừng là đời sống vật chất, tinh thần, vui chơi giải trí, môi trường giao tiếp xã hội, sức khỏe của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng và được quan tâm chăm lo. Kết quả nổi bật là hiện nay:100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh Gần 100% các cháu đến độ tuổi được đến trường; Từ năm học 2024 - 2025, trẻ em mầm non 5 tuổi được miễn học phí;…
Hơn thế, từ trong mỗi gia đình đến các nhà trường, các cha mẹ, ông bà, thầy cô đều nhận thức rõ trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, cùng chung tay xây dựng môi trường gia đình an toàn, nhà trường hạnh phúc.
Thủ tướng trò chuyện và cùng các cháu khuyết tật đang học tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Mới đây nhất, trong chuyến tới thăm, tặng quà các thầy cô giáo, các cháu học sinh đang theo học tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội, ngày 31/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng hạnh phúc và ấm no. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước, đầu tư cho sự phát triển lâu dài, bền vững, nhanh và mang lại hiệu quả cao. Làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, ghi nhớ và thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” chúng ta cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, thiết thực hơn, dành nhiều nguồn lực hơn để làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới.
“Mỗi gia đình hãy thực sự là một mái ấm tràn ngập tình yêu thương để các cháu được quan tâm, chăm lo, cảm nhận sự an toàn và niềm hạnh phúc, cảm nhận được sự bình đẳng! Mỗi ngôi trường hãy là một mái nhà hạnh phúc, để “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, để các cháu được học tập, rèn luyện, giao lưu, trưởng thành và phát triển! Cả cộng đồng, xã hội chúng ta hãy hành động thiết thực với trách nhiệm cao nhất; với những tình cảm gần gũi, thân thương nhất; với cả tấm lòng và trái tim yêu thương! Hãy là chỗ dựa vững chắc, là nơi để các cháu gửi gắm niềm tin, yêu thương và tin tưởng vào tương lai của mình!”, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.
Chủ tịch nước Tô Lâm và các cháu thiếu niên, nhi đồng tại cuộc gặp mặt các cháu học sinh là con liệt sĩ công an, con đỡ đầu hội phụ nữ công an, con nuôi công an xã, con cán bộ, chiến sĩ đạt giải quốc gia, quốc tế năm học 2023-2024. Ảnh: Hoàng Phong |
Trước đó, tại cuộc gặp mặt thân mật và biểu dương các cháu học sinh là con liệt sĩ công an, con đỡ đầu hội phụ nữ công an, con nuôi công an xã, con cán bộ, chiến sĩ đạt giải quốc gia, quốc tế năm học 2023-2024, diễn ra ngày 28/5, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã, đang và sẽ luôn dành tất cả tình yêu thương và những gì quý giá nhất cho trẻ em với tinh thần “Trẻ em như búp trên cành”.
Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ban ngành, địa phương phát huy tích cực hơn vai trò của mình trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, hoan nghênh, mong muốn cả xã hội sẽ chung tay đồng lòng hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Chủ tịch nước Tô Lâm mong các cháu thanh, thiếu niên tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa, ra sức phấn đấu, rèn luyện, thực hiện thật tốt những lời dạy của Bác Hồ, nuôi dưỡng khát vọng, đạt nhiều kết quả trong học tập, tiếp bước cha anh xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.