Phần lớn thời gian dành quyết định nhân sự cấp cao
Phó tổng thư ký Quốc hội Lê Minh Thông cho biết, kỳ họp thứ nhất, quốc hội 14 khai mạc ngày 20 và bế mạc ngày 29/7/2016. Đây là kỳ họp đầu tiên, có vai trò quan trọng trong cả nhiệm kỳ. Có 6/8 ngày làm việc chính thức được dành để xem xét vấn đề nhân sự cao cấp. Hai ngày còn lại sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Theo đó, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Tổng thư ký Quốc hội; Tổng kiểm toán Nhà nước; bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Quốc hội cũng Quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; Phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, ngay sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ làm lễ tuyên thệ trước Quốc hội.
Tuy nhiên, nghi lễ này sẽ có nhiều cải tiến để tính trang nghiêm được đảm bảo hơn. Cụ thể, khi các chức danh thực hiện nghi thức tuyên thệ, các đại biểu Quốc hội sẽ đứng, không quay phim chụp ảnh; đoàn chủ tịch cũng không ngồi phía trên mà đứng phía dưới. Ngoài ra, trong lời tuyên thệ, câu “đứng trước cờ đỏ sao vàng...” sẽ được đổi thành “dưới cờ đỏ sao vàng...”
Nhiều nội dung cho công tác lập pháp
Riêng với công tác lập pháp, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, Quốc hội khóa 14 sẽ tập trung nhiều vấn đề. Cụ thể, vừa qua, Chính phủ đã đề ra nội dung hoạt động cho nhiệm kỳ mới là Chính phủ hành động, liêm chính và kiến tạo. Để thực hiện nội dung này, Chính phủ đã thực hiện việc tiếp xúc với hàng loạt DN để xem xét có vấn đề gì cần sửa đổi trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ. Đất nước cũng đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới, đòi hỏi phải có các văn bản, thể chế phù hợp cho giai đoạn mới... Những vấn đề quan trọng sẽ đưa vào chương trình Quốc hội hàng năm sao cho phù hợp nhất.
Việc Bộ Luật hình sự vừa ra đời và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 nhưng đã phải xem xét, chỉnh sửa, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng đây là điều rất đáng tiếc và Quốc hội sẵn sàng nhận trách nhiệm việc này.
Quốc hội khóa 13 đã ban hành 107 bộ luật, trong đó có bản Hiến pháp được đánh giá rất cao. Trong 106 bộ luật còn lại dù có một số sai sót nhưng không đáng kể, riêng có Bộ Luật hình sự sai nhiều. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao các cơ quan liên quan có báo cáo giải trình. Sau đó, Quốc hội sẽ xem xét thấu đáo trách nhiệm các cơ quan và cá nhân liên quan để xử lý vụ việc một các công minh, không né tránh.
Xem xét sửa Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Vừa qua, việc 2 đại biểu Quốc hội là ông Trịnh Xuân Thanh - đoàn Hậu Giang và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - đoàn Hà Nội không được xem xét tư cách đại biểu quốc hội đã được rất nhiều người quan tâm. Chia sẻ về việc làm sao xem xét, thẩm định tư cách đại biểu quốc hội chặt chẽ hơn, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, hiện nay, để xem xét tư cách đại biểu Quốc hội, 5 ngày sau khi công bố kết quả trúng cử đại biểu quốc hội sẽ được dành để tiếp nhận các đơn thư liên quan đến đại biểu Quốc hội. Nếu đại biểu nào có đơn thư tố cáo, Ủy ban kiểm tra phải xem xét, giải quyết và trả lời sau 30 ngày. Đây là kênh công bố quan trọng, do chính cử tri giám sát. Thực tế, các vụ việc gần đây như trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh cũng được công bố qua kênh này.
Tuy nhiên, về lâu dài, để công tác xác định tư cách đại biểu Quốc hội được thực hiện chính xác hơn, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân để kiểm soát và nâng cao chất lượng ứng cử viên đại biểu Quốc hội.