Công tác lập, thẩm định ĐTM của các dự án tốt sẽ giúp doanh nghiệp có biện pháp bảo vệ hiệu quả
CôngThương - Ông Trịnh Văn Thuận - Phó Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm và Công nghiệp môi trường, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết: rất nhiều dự án sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao như: ngành giấy, dệt nhuộm, thép, hóa chất… Do đó, việc xem xét lựa chọn các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm môi trường ngay từ khâu lập dự án có vai trò quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Công tác lập, thẩm định ĐTM của các dự án được thực hiện tốt sẽ giúp các doanh nghiệp có biện pháp bảo vệ hiệu quả, giúp cơ quan quản lý giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường thuận lợi hơn, đặc biệt trong công tác xây dựng, lắp đặt các công trình bảo vệ môi trường.
Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp ngành công thương được kiểm tra đều đã lập báo cáo ĐTM và được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt, một số dự án được đầu tư, lắp đặt thiết bị xử lý hiện đại, xử lý chất thải bảo đảm tiêu chuẩn môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện các nội dung cam kết trong báo cáo của nhiều doanh nghiệp vẫn không đầy đủ. Nguyên nhân chủ yếu là do từ khi Nghị định số 29/2011/NĐ-CP quy định về ĐTM có hiệu lực đến nay đã bộc lộ rất nhiều bất cập.
Trước những bất cập về ĐMT, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang gấp rút hoàn thiện các nghị định theo hệ thống của luật này, trong đó có nghị định quy định về ĐTM phù hợp với thực tiễn hiện nay. |
Ông Thuận phân tích: ĐTM về bản chất là cung cấp thông tin đầu vào, tư vấn cho chủ đầu tư quyết định việc lựa chọn phương án đầu tư dự án. Tuy nhiên, hiện nay nó lại được coi là một công cụ quản lý của cơ quan nhà nước. Dẫn đến thực tế các chủ đầu tư chủ yếu lập phương án để đối phó với cơ quan quản lý nhà nước mà không thấy được lợi ích của vấn đề .
Bất cập hơn chính là khâu hậu kiểm. “Quy trình hậu kiểm ĐTM có nhiều thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thực tế, các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa đủ nguồn lực để tiến hành kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo phương án đã được phê duyệt. Để bảo đảm hiệu quả kinh tế, nhiều dự án buộc phải đưa vào vận hành mà chưa được cơ quan thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ” - ông Thuận lo ngại.
Ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cũng thừa nhận: Việc thực hiện ĐMT vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều dự án chưa tiến hành lập hồ sơ hoạt động sau khi đánh giá hoặc có những dự án thực hiện cho có. Đặc biệt, nhiều trường hợp chủ dự án giao khoán, phó mặc cho bên tư vấn môi trường làm báo cáo, nên nội dung tư vấn đưa ra trong báo cáo không thống nhất, thậm chí không phù hợp với nội dung của dự án…
Nhiều địa phương cũng phản ánh Nghị định 29/2011/NĐ-CP quy định việc lập báo cáo được phép tiến hành sau khi xin giấy phép xây dựng đã làm giảm nhiều ý nghĩa của ĐTM, hầu hết các dự án đều thực hiện sau khi đã được cấp phép, chọn địa điểm thực hiện dự án nên ý nghĩa của việc xem xét tính phù hợp về môi trường để cho phép đầu tư hay không sẽ không còn.