Bên cạnh những thuận lợi về giao thông mà các dự án BOT mang lại, Bộ GTVT cũng đã nhìn nhận rõ một số bất cập nhất định của các dự án BOT, nhất là các dự án làm trên đường hiện hữu, hình thức thu phí chưa tạo công bằng cho người dân khu vực sinh sống gần trạm BOT…
Để khắc phục tình trạng này, Bộ GTVT cho biết đã dừng triển khai các dự án BOT trên những tuyến đường hiện có và chỉ kêu gọi đầu tư đối với các tuyến đường mới, đảm bảo người dân cũng như chủ phương tiện có sự lựa chọn. Các dự án sẽ được đánh giá tác động kỹ và cụ thể hơn trước khi triển khai.
Chia sẻ về trách nhiệm, kinh nghiệm trong công tác triển khai cũng như quản lý các dự án giao thông theo hình thức BOT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, làm sao phải có hành lang pháp lý, hệ thống văn bản đồng bộ để dễ thực hiện.
Trả lời báo chí về những vấn đề “lùm xùm” quanh các dự án BOT giao thông được dư luận quan tâm thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, trong giai đoạn Bộ GTVT thực hiện nhiều dự án BOT nhất thì chưa có hệ thống văn bản đầy đủ, do đó Bộ vừa phải làm, vừa xin ý kiến chỉ đạo và hoàn thiện về mặt thủ tục, cơ chế. Nếu có các quy định đầy đủ hơn, rõ ràng hơn thì chắc chắn sẽ không có những vấn đề phát sinh. Đối với việc một số trạm thu phí không đúng vị trí, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, trước khi triển khai dự án, Bộ đã lấy ý kiến của địa phương và cả cơ quan, đại biểu Quốc hội và rất nhiều cơ quan hữu quan, tuy nhiên có thể vẫn chưa hết nên nảy sinh các vấn đề khi đưa công trình vào sử dụng. Do đó, đây cũng là bài học của Bộ để sau này khi làm dự án theo hình thức này sẽ phải hoàn thiện hơn, tổ chức rõ ràng, hiệu quả hơn.
Đối với việc giảm giá thu phí BOT, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ, hiện Tổng cục đang thực hiện kế hoạch rà soát 54 trạm thu phí. Đến nay, đã có 10 trạm đạt thoả thuận giảm giá, 3 trạm đã thống nhất với nhà đầu tư, đang báo cáo Bộ GTVT xem xét quyết định. Dự kiến đến hết tháng 10/2017 sẽ báo cáo Bộ GTVT việc rà soát giảm giá các dự án BOT.