Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chủ trì hội nghị |
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Chánh văn phòng REDD+ Việt Nam - chia sẻ: Báo cáo R-Package là một bản đánh giá toàn diện về mức độ sẵn sàng cho việc thực hiện REDD+ ở Việt Nam, bao gồm 4 hợp phần: Tổ chức và tham vấn chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+; Chuẩn bị xây dựng chiến lược REDD+; Mức phát thải tham chiếu; Hệ thống theo dõi rừng và an toàn. Báo cáo R – Package được trình bày trên cơ sở làm rõ 34 tiêu chí và 58 câu hỏi theo khung do Quỹ Đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) đưa ra. Để xây dựng Báo cáo R-Package, các chuyên gia của dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” (FCPF) đã phối hợp với Văn phòng REDD+ Việt Nam,… thu thập tài liệu để tổng hợp và phân tích thông tin. Từ cuối tháng 12/2015 tới nay, dự án FCPF đã lựa chọn một số tỉnh thực hiện REDD+ theo từng vùng trên cả nước thực hiện tham vấn cộng đồng người dân địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số để đánh giá mức độ sẵn sàng thực hiện REDD+ như Bắc Kạn, Lâm Đồng, Quảng Bình, Cà Mau.....
Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra những khó khăn trong quá trình sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam khi hệ thống tổ chức REDD+ ở địa phương chưa được hoàn thiện, nhiệm vụ điều phối giữa nhà nước với người dân và các tổ chức xã hội dân sự chưa rõ ràng. Cùng với đó, chưa xây dựng được khung pháp lý liên quan đến quản lý kỹ thuật của REDD+; chưa xây dựng được cơ chế điều phối và giám sát kỹ thuật cho cấp tỉnh, huyện và cộng đồng; chưa đề xuất được chương trình nâng cao năng lực giám sát các khía cạnh phi các-bon của REDD+.
Để khắc phục những bất cập và đạt được yêu cầu đề ra của nhà tài trợ, các đại biểu cho rằng, rất cần tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+. Trong đó, với hợp phần tổ chức và tham vấn sẽ ưu tiên thực hiện xây dựng cơ chế điều phối liên ngành và với các tổ chức xã hội dân sự, lồng ghép kế hoạch REDD+ với các ngành, các địa phương, xây dựng chương trình đào tạo và nâng cao năng lực REDD+ cho cộng đồng, xây dựng và ban hành cổng thông tin REDD+. Các nhiệm vụ này cần được hoàn thiện trong giai đoạn 2016-2017. Với hợp phần mức phát thải tham chiếu sẽ ưu tiên thiết lập mức phát thải tham chiếu quốc gia. Đồng thời, sẽ điều chỉnh NRAP (Chương trình hành động quốc gia về REDD+) và xây dựng kế hoạch hành động REDD+ giai đoạn 2016-2020 đối với hợp phần chuẩn bị xây dựng chiến lược REDD+.
Tại Hội thảo, các đại biểu nhận định, Việt Nam về cơ bản đã đạt được những yêu cầu cần thiết trong giai đoạn chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+, đồng thời chương trình hành động cho việc sẵn sàng thực hiện REDD+ đã được sự nhất trí của các bên liên quan. Đề nghị hội đồng Quỹ Đối tác các-bon trong Lâm nghiệp phê duyệt báo cáo đánh giá mức độ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ để Việt Nam có thể bước vào giai đoạn thử nghiệm chi trả giảm phát thải.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh: Không giống như những sáng kiến khác, REDD+ trong ngành lâm nghiệp là cơ chế thực hiện chi trả dựa trên kết quả đo đếm lượng phát thải khí nhà kính giảm được so với trước khi thực hiện REDD+. Sau Hội thảo này, các ý kiến tham luận, phản biện sẽ được tập hợp để Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” hoàn chỉnh báo cáo R-Package. Dự kiến Việt Nam sẽ gửi báo cáo R-Package tới Quỹ đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) vào tháng 7/2016 và thuyết trình bảo vệ báo cáo tại Cuộc họp các nước thành viên lần thứ 22 của FCPF vào tháng 9/2016.
Tính đến hết năm 2015, Việt Nam đã có 44 dự án liên quan đến REDD+ đã và đang được triển khai, với tổng số vốn cam kết hơn 84 triệu USD. Hầu hết các dự án đều có mục tiêu hỗ trợ việc chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam. |