Vấn đề ứng phó khủng hoảng của doanh nghiệp Việt Nam (mà dịch Covid-19 trong 3 năm qua là ví dụ tiêu biểu) đã là đề tài của nhiều báo cáo khảo sát song đây có thể được xem như báo cáo đầu tiên nhìn từ góc độ doanh nghiệp.
Báo cáo do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).
Quang cảnh hội thảo |
Báo cáo nhận định, doanh nghiệp Việt Nam với đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có quy mô nhỏ và thời gian hoạt động ngắn, vì vậy, thường hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm trong ứng phó với những biến động bất ngờ của nền kinh tế, nhất là trong các cuộc khủng hoảng có tác động trên quy mô rộng và thời gian dài như đại dịch Covid-19. Khi đối diện với các cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp thường không có sự chuẩn bị kịp thời và không có một kế hoạch phù hợp để ứng phó.
Những phát hiện chính của Báo cáo
Báo cáo trên cơ sở khảo sát các doanh nghiệp đã đưa ra 6 phát hiện chính.
Một là, đối mặt với khủng hoảng, gần như các doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi phương thức kinh doanh, thay đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh phi truyền thống. Đồng nghĩa với điều đó thì việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một yếu tố sống còn để đảm bảo doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động và phát triển.
Hai là, qua các thông tin từ khảo sát và phỏng vấn sâu, đa phần các doanh nghiệp đều có quan điểm chung coi nhân sự là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng nhất, là yếu tố hàng đầu trong việc duy trì và phát triển doanh nghiệp.
Ba là, quản trị nguồn lực tài chính và cân đối dòng tiền là yếu tố cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng, bởi đây được coi là dòng máu, nguồn sinh lực nuôi sống doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực với các mức dự trữ tiền, tài sản phù hợp với quy mô hoạt động của doanh nghiệp để có thể đầu tư vào hoạt động sản xuất, tham gia vào các dự án mới hoặc ít nhất là có thể duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh ngay cả khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi khủng khoảng.
“Để hạn chế phần nào những tổn thất có thể xảy ra, doanh nghiệp cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để khi vốn kinh doanh nói chung và vốn lưu động nói riêng bị hao hụt, doanh nghiệp có thể có ngay nguồn bù đắp, đảm bảo cho quá trình hoạt động kinh doanh diễn ra liên tục”- Báo cáo viết.
Bốn là, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, với đặc điểm là tính linh hoạt cao nhưng sức chống chịu kém. Khi gặp khủng hoảng, thường chưa có chiến lược ứng phó và quản trị rủi ro. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, cần có chiến lược ứng phó với khủng hoảng ở tầm quốc gia, định hướng cho doanh nghiệp những việc cần làm ngay và hành động ưu tiên nhằm tiết kiệm nguồn lực và tăng tính hiệu quả cho hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có những giải pháp hỗ trợ nhằm tăng khả năng chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng.
Năm là, mỗi doanh nghiệp khác nhau, có tiêu chí đánh giá doanh nghiệp thành công vượt qua khủng hoảng Covid-19 khác nhau. Tuy nhiên, có thể thấy có một số tiêu chí chung để đánh giá một doanh nghiệp thành công vượt qua khủng hoảng đó là: doanh nghiệp không bị ngừng hoạt động, lợi nhuận tăng, tìm kiếm được khách hàng mới, năng suất lao động tăng, áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
Sáu là, các doanh nghiệp do nữ làm chủ thể hiện sự linh hoạt hơn trong thời kỳ khủng hoảng, chủ động hơn trong việc lập kế hoạch dự phòng và áp dụng các chiến lược kinh doanh thận trọng, từ đó tăng khả năng phục hồi của họ trong thời kỳ khủng hoảng.
Trên cơ sở phân tích các dữ liệu, Báo cáo này cũng đưa ra 7 giải pháp trong ngắn hạn, được xem như các “cẩm nang” thích ứng với khủng hoảng trong tương lai.
Một là, cân đối dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết, đảm bảo hiệu quả hoạt động và dòng tiền của doanh nghiệp.
Hai là, giải quyết ngay những vấn đề phát sinh đột xuất, bất thường có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ba là, coi nhân sự là tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp, thường xuyên đối thoại với người lao động, nhất là khi khủng hoảng xảy ra, nhằm đưa ra phương hướng hoạt động, sản xuất cho doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng, cũng như thực hiện các giải pháp hiệu quả hỗ trợ người lao động.
Bốn là, chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, nắm bắt xu hướng tiêu dùng của khách hàng để chuyển hướng kịp thời;
Năm là, thay thế các hình thức, phương thức kinh doanh, các sự kiện bán hàng theo kiểu truyền thống bằng các giải pháp công nghệ mới để khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin, kinh doanh trên các sàn giao dịch điện tử.
Sáu là, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa các hình thức huy động vốn.
Bảy là, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, tình hình kinh tế, chính trị trong nước và trên thế giới; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào; tăng cường liên kết thông qua các chuỗi cung ứng và mạng lưới các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và địa phương.
Đặc biệt, Báo cáo đề xuất với Chính phủ nghiên cứu xây dựng Chương trình ứng phó với khủng hoảng mang tầm quốc gia. Xây dựng một bộ quy tắc và tiêu chuẩn chung nhằm đối phó với khủng hoảng để không gặp lúng túng khia xảy ra khủng hoảng. Giao một bộ làm đầu mối xây dựng và phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiệm vụ này.
Ứng phó khủng hoảng: Góc nhìn chuyên gia
Làm rõ hơn nội dung của Báo cáo, các chuyên gia đều đánh giá cao tính thiết thực, nhiều nội dung mới nêu trong Báo cáo.
Ông Lê Anh Văn- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mô tả, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tới đây cần phù hợp với luật pháp Việt Nam, đồng thời tránh cho được các giải pháp mang tính chủ quan, cài cắm lợi ích nhóm.
Chuyên gia này cũng phân tích, thực tiễn cho thấy các khủng hoảng hiện không xảy ra theo chu kỳ 5, 10 năm mà có thể xảy ra bất ngờ như dịch bệnh, chiến tranh. “Khẩu vị của khủng hoảng cũng đã khác đòi hỏi doanh nghiệp nhận thức rõ”- ông Văn nói
Đồng thời doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng và tạo dựng được thói quen sử dụng tư vấn về quản trị, pháp lý, quản lý rủi ro. Đây là điều mà doanh nghiệp các nước đã rất chú trọng. Cùng đó ông Lê Anh Văn cho rằng, trong chuyển đổi số cần đi vào thực chất hơn.
Ông Phan Đức Hiếu- Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Đại biểu Quốc hội trong bình luận về Báo cáo cho rằng, khác với các báo cáo đã công bố cùng chủ đề thường hay có cái nhìn “xuống”, báo cáo này có cái nhìn từ góc độ doanh nghiệp, nghĩa là cái nhìn “lên”.
“Điều này là rất có ý nghĩa, đặc biệt là trong việc xem xét ứng phó khủng hoảng từ hành vi ứng xử của doanh nghiệp”- TS Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng cho rằng, từ nội dung Báo cáo này có thể thấy, trong ứng phó khủng hoảng, yếu tố quản trị doanh nghiệp tốt ngày càng quan trọng, đã vượt qua quy mô doanh nghiệp và cần đến sự can thiệp mang tính tích cực từ phía Chính phủ.
Từ góc độ người làm chính sách, TS Hiếu nhìn nhận, nội dung báo cáo này cũng còn cho thấy một điều, công tác cải cách thể chế tới đây có mấy yếu tố mới: phản ứng chính sách phải rất nhanh, nếu không sẽ rất giảm hiệu quả; tính tiên liệu và ổn định của chính sách rất quan trọng.