Công nghệ của nhà máy Đạm Cà Mau có điểm khác biệt với các nhà máy sản xuất phân bón khác là công đoạn vo viên thay cho tháp tạo hạt |
Hạt ngọc mùa vàng chắp cánh ước mơ
Thực hiện mục tiêu đảm bảo cung cấp ổn định phân đạm cho phát triển nông nghiệp của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xây dựng nhà máy Đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn/năm. Nhà máy Đạm Cà Mau được xây dựng dựa trên dây chuyền công nghệ hiện đại bao gồm 3 phân xưởng chính: phân xưởng Amoniac công nghệ mua của hãng Haldor Topsoe, Đan Mạch; phân xưởng Urê công nghệ mua của hãng Saipem bản quyền gốc của hãng Snam Progeti, Italy; phân xưởng tạo hạt công nghệ mua của hãng Toyo, Nhật Bản.
Công nghệ của nhà máy Đạm Cà Mau có điểm khác biệt với các nhà máy sản xuất phân bón khác là công đoạn vo viên thay cho tháp tạo hạt. Với công nghệ này, Nhà máy Đạm Cà Mau có thể sản xuất Ure với các độ hạt to nhỏ theo yêu cầu của khách hàng sử dụng phù hợp nhất cho từng loại cây trồng.
Ông Đào Văn Ngọc - Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau- cho chúng tôi biết, Đạm Cà Mau là một dự án thành công toàn diện của Tập đoàn Dâu khí từ chiến lược đầu tư, quá trình thực hiện đầu tư cho đến giai đoạn đi vào sản xuất kinh doanh. Đặc biệt dự án này có giá trị quyết toán là 700 triệu USD, thấp hơn 200 triệu USD so với tổng mức phê duyệt ban đầu.
Đến nay, sau gần 6 năm đi vào hoạt động, Đạm Cà Mau đã cung cấp gần 4,5 triệu tấn sản phẩm cho sản xuất nông nghiệp cả nước, lũy kế doanh thu đạt hơn 28.000 tỷ, lợi nhuận 3.410 tỷ đồng. Thương hiệu “Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng” đang ngày càng trở nên gần gũi và được đông đảo nông dân tin tưởng sử dụng nhờ chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, dịch vụ khách hàng tốt. Sản phẩm đã đạt được nhiều giải thưởng giá trị, uy tín, góp phần tích cực công tác bình ổn thị trường phân bón theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cũng triển khai, tham gia nhiều chương trình an sinh xã hội, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.
Cung cấp giải pháp dinh dưỡng tổng thể cho cây trồng
Là đơn vị ra đời sau trong sản xuất phân bón, Đạm Cà Mau đã tiếp cận được những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trong sản xuất phân bón từ các nhà cũng cấp hàng đầu của Nhật Bản, Đan Mạch và Italia. Phân đạm hạt đục của Đạm Cà Mau sản xuất từ nguồn khí tự nhiên, với công nghệ hiện đại nên chất lượng cao và ổn định. Hơn nữa Đạm Cà Mau dễ phối trộn với các loại phân bón khác để bón kết hợp, dễ bảo quản, ít gây bụi, nó được ví như hạt ngọc mùa vàng, được nông dân tin dùng, mang lại những mùa vàng bội thu cho bà con. Dù gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm phân bón khác, nhưng thị phần của Đạm Cà Mau tại Đồng bằng sông Cửu Long không ngừng tăng cao. Đến nay, Đạm Cà Mau đã chiếm 65% tại thị trường Tây Nam Bộ, 35% thị trường Đông Nam Bộ và đang triển khai mở rộng, phát triển ra thị trường miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Cùng với phát triển thị trường trong nước, Đạm Cà Mau cũng đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ra thị trường thế giới. Hiện Đạm Cà Mau đã có mặt ở nhiều nước như Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Campuchia tăng vọt trong những năm qua.
Anh Phạm Tuấn Sơn- Trưởng Ban Tiếp thị Truyền thông của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) - chia sẻ, với sứ mệnh cung cấp các giải pháp về dinh dưỡng cho cây trồng, giúp mùa vàng bội thu, phục vụ sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, Đạm Cà Mau luôn xác định là người bạn đồng hành cùng người nông dân sẻ chia khó khăn, giúp bà con làm giàu trên mảnh đất của mình. Trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, Đạm Cà Mau đã kết hợp cùng các nhà khoa học nghiên cứu sản xuất các sản phẩm phân bón có tính năng chống hạn hán và xâm nhập mặn, đồng thời kết hợp với các địa phương thực hiện các mô hình cánh đồng mẫu lớn, giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Mới đây, Đạm Cà Mau đã tiến hành hỗ trợ nông dân kiến thức nông nghiệp qua mạng viễn thông, thông qua hợp đồng ký kết với Viettel. Theo đó, Đạm Cà Mau sẽ cung cấp giải pháp dữ liệu nông nghiệp cho bà con nông dân qua mạng viễn thông. Anh Sơn cho biết, đây là bước khởi đầu và là hành động cụ thể của Đạm Cà Mau trong việc tận dụng cơ hội cũng như nắm bắt xu hướng phát triển để đối diện với những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ.
Tạm biệt Nhà máy đạm Cà Mau, trở về thành phố. Tôi thấy, so với 6 năm trước, thành phố Cà Mau hôm nay như đã khoác lên tấm áo mới. Mới thấy, Cụm khí điện đạm Cà Mau đã góp phần lớn làm thay da đổi thịt thành phố cực Nam của đất nước nói riêng và Đất Mũi Cà Mau nói chung, trong đó có sự đóng góp của những “Hạt Ngọc Mùa Vàng”.