12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, năm 2018 hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra, tạo tiền đề thuận lợi, vững chắc cho năm 2019 và những năm tiếp theo.
Dẫn một số chỉ tiêu chứng minh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 giảm 0,29% (thấp nhất trong 9 năm qua), bình quân 11 tháng tăng 3,59%.
Cùng đó, ngành nông nghiệp phát triển tốt; Sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ ở mức cao, 11 tháng tăng 10,1%, trong đó ngành công chế biến, chế tạo tăng trưởng ấn tượng ở mức 12,2%. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 11,5%. Khách quốc tế 11 tháng đạt 14,12 triệu lượt, tăng 21,3% và chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu thu hút 15 triệu khách quốc tế trong năm 2018.
Đặc biệt, xuất khẩu hàng hoá đạt 223,63 tỷ USD, tăng 14,4% trong khi xuất siêu ở mức kỷ lục 6,8 tỷ USD, duy trì mức xuất siêu liên tục trong nhiều tháng qua.
Trong 11 tháng có trên 121.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký tăng 9,1%, đưa tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt trên 3,4 triệu tỷ đồng; có khoảng 32.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động.
Ngoài ra, các lĩnh vực về văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đời sống dân cư được cải thiện, đặc biệt số hộ thiếu đói giảm 40,7%, nhân khẩu thiếu đói giảm 42,3% so với cùng kỳ…
Về các nhiệm vụ - giải pháp thời gian tới, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết thêm, các thành viên Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương không được chủ quan, mà phải kiên định, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tập trung vào khâu thực thi, nhất là người đứng đầu phải luôn chỉ đạo sâu sát và chịu trách nhiệm; tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính với phương châm hành động năm 2019 là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, đột phá, phát triển".
Về dự thảo Nghị quyết 01 năm 2019 và việc xây dựng Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo, Chính phủ xác định tinh thần là thực hiện nghiêm Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, bám sát thực tiễn, đề ra các biện pháp giải quyết các bức xúc, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô và nâng cao mọi mặt đời sống xã hội.
“Các chỉ tiêu Chính phủ giao trong Nghị quyết phải mang tính phấn đấu ở mức cao với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, quyết liệt, “hành động và hành động hơn nữa để phục vụ nhân dân”. Ngay trong Nghị quyết 01 phải thể hiện khát vọng vươn lên của đất nước, làm sao để tinh thần dân tộc được khơi dậy ngay từ đầu năm” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Không để thiếu điện trong năm 2019
Trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí liên quan đến hoạt động sản xuất, cung ứng và điều chỉnh tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, việc xây dựng kịch bản giá điện năm 2019 sẽ được thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg và dựa trên các thông số: Kế hoạch cung cấp điện năm 2019 do Bộ Công Thương ban hành, trong đó đưa ra 4 kịch bản tương ứng với các tốc độ tăng trưởng phụ tải cao và tăng trưởng phụ tải bình thường và 2 kịch bản tương ứng thuỷ văn nước về các hồ về bình thường và kịch bản nước về ít hơn bình thường.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Qua tính toán, Bộ Công Thương khẳng định cả 4 phương án cho thấy hệ thống đều đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội |
Cùng đó, kịch bản giá điện năm 2019 cũng căn cứ trên cơ sở chi phí được đưa vào tính giá điện, gồm 3 khoản: Một là chi phí năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được kiểm toán và được các bộ, ngành kiểm tra (bao gồm cả các khoản lãi và các khoản nợ còn treo trong năm 2017 của EVN); Hai là, ước chi phí của EVN trong năm 2018, bao gồm cả các khoản còn treo do năm 2018 không điều chỉnh giá điện. Ba là, chi phí dự kiến năm 2019 của EVN. Trong đó, chi phí năm 2019 của EVN được xây dựng trên dự báo các thông số đầu vào để tính toán giá điện (như giá than trong nước, giá than nhập, giá dầu, giá khí, tỷ giá và các khoản thuế, phí).
“Bộ Công Thương sẽ xem xét xây dựng các kịch bản giá điện năm 2019 theo đúng quy định, có xem xét các tác động của việc điều chỉnh giá điện” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói và nhấn mạnh, sau khi EVN xây dựng xong phương án, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra, thẩm định. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Tổng cục Thống kê để đánh giá ảnh hưởng của các kịch bản điều chỉnh giá điện lên tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số CPI, ảnh hưởng tới chi phí của các khách hàng lớn và các hộ sinh hoạt.
“Dự kiến Bộ Công Thương sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá về kịch bản điều hành giá điện năm 2019 trong tháng 12/2018. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Công Thương sẽ xem xét hoàn chỉnh các kịch bản điều hành giá điện để báo cáo Chính phủ” – Thứ trưởng cho biết về tiến độ thời gian.
Liên quan đến một số thông tin lo ngại khả năng phải cắt điện trong năm 2019, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, ngay từ đầu tháng 10/2018, Bộ Công Thương đã làm việc với EVN xây dựng kế hoạch cung cấp điện năm 2019. Trong các tháng cuối năm 2018, nhiều hồ thủy điện ở miền Trung – Tây Nguyên xảy ra tình trạng khô hạn, mực nước thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc chuẩn bị kế hoạch cung cấp điện cho năm 2019.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN tính toán 4 phương án cung cấp điện tương ứng với các kịch bản nhu cầu phụ tải bình thường, phụ tải cao. Theo đó, sản lượng điện sản xuất năm 2019 đạt khoảng 242 tỷ kWh điện ở phương án cơ sở và 243,5 tỷ kWh điện ở phương án cao, với tốc độ tăng trưởng tương đương với tốc độ tăng trưởng dự báo trong Tổng sơ đồ phát triển điện lực. Do dự báo khả năng hiện tượng El Nino sẽ quay trở lại với xác xuất cao, các tính toán cũng xem xét khả năng lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường và phương án lượng nước về ít hơn bình thường.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) lập các phương án về khả năng cung cấp than, cung cấp khí cho phát điện. Các phương án cung cấp điện cũng đã tính toán đến khả năng cung cấp nước cho hạ du các hồ thủy điện trong mùa khô năm 2019, mà trước mắt là cấp nước cho vụ Đông Xuân của Đồng bằng Bắc Bộ.
“Qua tính toán, Bộ Công Thương khẳng định cả 4 phương án cho thấy hệ thống đều đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hệ thống điện sẽ phải huy động từ hơn 2 tỷ đến hơn 7 tỷ kWh điện từ các nguồn điện dầu” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.