CôngThương - Với Thừa Thiên- Huế cũng vậy, số lượng 21 dự án thủy điện đầu nguồn sông Hương, sông Bồ trong đó có 2 dự án đã đi vào vận hành, cuối năm nay thêm tổ máy số 1 thủy điện A Lưới được đưa vào sử dụng nữa thì bên cạnh sự mừng vui vì địa phương được đóng góp vào nguồn điện lưới quốc gia thì mối lo về các đập thủy điện như các hồ chứa treo lơ lửng đầu nguồn xả lũ như nhiều người khéo lo… sợ trôi cả di sản!
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù việc quản lý vận hành thủy điện của TT- Huế chỉ mới qua 2 mùa mưa lũ, bắt đầu là thủy điện Bình Điền năm 2009 nhưng đã được đánh giá cao là hiệu quả trong việc cắt lũ, giảm thiệt hại vùng hạ du. Ông Võ Phi Hùng- giám đốc Sở Công Thương TT- Huế cho biết việc đầu tư xây dựng một công trình thủy điện đảm bảo chất lượng hiệu quả lâu dài không chỉ là sự quan tâm của các nhà đầu tư mà là của toàn xã hội nhất là địa phương nơi triển khai dự án, vì vậy, tăng cường kiểm tra giám sát việc đầu tư xây dựng các công trình thủy điện nhằm đảm bảo chất lượng công trình, an toàn đập luôn được quan tâm. Cụ thể UBND tỉnh cũng như Sở Công thương và các Sở ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản chỉ thị về công tác phòng chống lụt bão, quản lý an toàn đập. Song song với công tác chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh, các sở ban ngành liên quan thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra các công trình thủy điện đang vận hành và đang thi công trên địa bàn như Thủy điện A lưới, Hương Điền, Bình Điền… về việc tuân thủ quy trình trong đầu tư, chất lượng công trình… Sở Công Thương còn hướng dẫn các Nhà máy (NM) thủy điện xây dựng phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập trong mùa mưa lũ; phương án bảo vệ đập, xác định phạm vi bảo vệ đập; phương án phòng chống lụt bão cho hạ du đập do xã lũ hồ chứa hoặc sự cố đập… Vì vậy, nhìn nhận qua hơn hai năm vận hành (thủy điện hoàn thành sớm nhất -Bình Điền) ông Võ Phi Hùng cho rằng bước đầu đã có hiệu quả. Các dự án thủy điện đã thực hiện nghiêm túc xả lũ theo quy trình vận hành hồ chứa thủy điện và chỉ đạo của Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc đón lũ và điều tiết đỉnh lũ trong mùa lũ. Kết quả là các đợt lũ vào tháng 9, 10/2010 đã cắt giảm mực nước trên sông Bồ và sông Hương dưới mức báo động 2, 3 và hạn chế ngập lụt cho hạ du.
Chuẩn bị cho mùa lũ lụt năm 2011, ngày 22/8/2011, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 3615/UBND-CN về việc thực hiện công tác quản lý an toàn đập của công trình thủy điện. Yêu cầu chủ đầu tư các công trình thủy điện rà soát, báo cáo hiện trạng an toàn đập, quan trắc đập, kiểm định đập, đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du… theo quy định tại Thông tư số 34/2010/TT-BCT ngày 07/10/2010 của Bộ Công Thương. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở ngành, các địa phương liên quan để tổ chức thẩm định, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Phương án Phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập. Sở Công Thương chịu trách nhiệm chung về việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập tại các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh…
Ngoài ra, UBND tỉnh còn ban hành quy định tạm thời về công tác quản lý, phối hợp vận hành liên hồ chứa thủy điện, thủy lợi trong đó lưu vực sông Hương, gồm bốn hồ: Bình Điền, Hương Điền, Tả Trạch và A lưới. Đáng quan tâm hơn nữa, ông Võ Phi Hùng cho biết để đáp ứng kịp thời công tác chỉ đạo điều hành vận hành hồ chứa NM thủy điện trong mùa mưa lũ, các nhà máy thủy điện như: Bình Điền, Hương Điền đã có phần mềm Dropbox theo dõi các thông số nhà máy, đập… thông qua mạng máy tính (đã cài đặt tại Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh, Sở Công Thương) nhằm kịp thời giúp các cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh trong việc điều tiết nước mùa lũ; NM thủy điện Bình Điền đang triển khai lắp đặt hệ thống SCADA nhằm giám sát, kiểm soát và thu thập dữ liệu phục vụ công tác quản lý vận hành đập và nhà máy.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, về lâu dài để thực hiện tốt quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa, đảm bảo an toàn đập, an toàn hạ du trong mùa lũ, Sở Công Thương đã yêu cầu các nhà máy lắp đặt các thiết bị quan trắc lưu vực của hồ chứa; triển khai lắp đặt hệ thống SCADA nhằm giám sát, kiểm soát và thu thập dữ liệu một cách kịp thời, chính xác phục vụ công tác quản lý vận hành đập, nhà máy và công tác chỉ đạo điều hành của địa phương trong công tác phòng chống bão lụt hàng năm.
Với sự chuẩn bị tốt của các chủ đầu tư, kiểm tra giám sát chặt chẽ của các sở ngành và chỉ đạo của UBND tỉnh TT- Huế người ta tin rằng, mùa lũ năm 2011 vùng hạ du sông Hương, sông Bồ… cũng sẽ được giảm lũ tối đa nếu các đập thủy điện vận hành đúng qui trình. Hơn nữa, từ ngày 30/8/2011 thủy điện A Lưới cũng đang có kế hoạch tích nước đợt 1. Đây là nhà máy thủy điện thứ ba của TT- Huế sẽ hòa vào lưới điện quốc gia trong năm nay và tham gia vào việc đón lũ, điều tiết đỉnh lũ năm 2011 cho TT- Huế.
Mọi việc đã sẵn sàng cho mùa lũ sắp đến và thử thách của các đập thủy điện lại bắt đầu…