Chú trọng đến lao động phi chính thức
Tại buổi giao lưu trực tuyến “Để mọi công dân đều được đảm bảo an sinh xã hội” mới đây, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, việc thực hiện an sinh xã hội (ASXH) không chỉ là để bảo đảm cho người dân có ASXH, mà còn bảo đảm ai cũng được hưởng ASXH. Nghị quyết 28 đã thể hiện đầy đủ nhất quan điểm, tư tưởng của Đảng với năm nội dung cơ bản đổi mới trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH).
Cải cách chính sách BHXH chú trọng quan tâm đến khu vực lao động phi chính thức |
Nghị quyết số 28 là tiến bộ nhất so với các nước trong khu vực và đã tiệm cận với các tiêu chuẩn về ASXH trong các công ước và khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Theo Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) - ông Phạm Trường Giang - Nghị quyết đã tập trung cải cách chính sách BHXH hướng đến bao phủ toàn dân được nhìn nhận toàn diện từ yếu tố đầu vào, gồm số người tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi (35% năm 2021; 45% năm 2015; 60% năm 2030) cho đến yếu tố đầu ra thể hiện chất lượng an sinh đó là số người sau độ tuổi hưởng lương hưu được hưởng lương hưu (45%; 55%; 60%).
Ngoài ra, cải cách chính sách BHXH không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức. Đồng thời, chú trọng cả đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách thông qua việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hướng tới sự hài lòng của người tham gia BHXH đạt 80% năm 2021; 85% năm 2025 và 90% năm 2030.
Theo ông Phạm Trường Giang, đây lần đầu tiên chúng ta coi phạm vi BHXH không chỉ bao gồm những quan hệ đóng hưởng trực tiếp vào quỹ BHXH mà còn bao gồm cả những quan hệ đóng hưởng gián tiếp vào ngân sách nhà nước.
Theo đó, mục tiêu của cải cách chính sách BHXH là xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng. Nhà nước còn có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách. “Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đến việc đảm bảo an sinh cho người dân thông qua việc hướng tới không có người cao tuổi nào trong xã hội không có lương hưu hoặc từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ BHXH” - ông Giang nói.
Thời gian vừa qua, chính sách BHXH thiếu sự liên kết với các chính sách khác dẫn đến vẫn còn có khoảng 5 triệu người cao tuổi (hơn 60 và dưới 80 mà không thuộc hộ nghèo; không bị khuyết tật) chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng dẫn đến tuổi già gặp rất nhiều khó khăn. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã xác định trợ cấp tuổi già (Việt Nam đang áp dụng với người trên 80 tuổi) là tầng lương hưu xã hội trong hệ thống BHXH đa tầng.
Chính vì thế, trong cải cách chính sách BHXH lần này, hệ thống BHXH đa tầng được xác định qua đó sẽ giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện, đầy đủ các chế độ và tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu hoặc từ ngân sách nhà nước, hoặc từ quỹ BHXH, không có người cao tuổi nào bị bỏ lại phía sau.
Cải thiện mức hỗ trợ
Thống kê từ BHXH Việt Nam, mỗi năm, có 800 nghìn người tham gia vào hệ thống BHXH. Tuy nhiên, so với mục tiêu đặt ra là còn rất khiêm tốn. Do vậy, để phát triển đối tượng tham gia, ông Bùi Sỹ Lợi cho hay, muốn phát triển đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện, giải pháp đầu tiên là phải giữ những người đã tham gia, hạn chế số người về BHXH một lần. Đặc biệt cần phải có giải pháp tại khu vực không chính thức (lao động nông thôn, nông dân...).
Theo quy định của Luật BHXH, Nhà nước hỗ trợ cho người lao động thuộc hộ nghèo 30% số đóng, cận nghèo 25% và 10% cho hộ khác, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, muốn đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc độ bao phủ thì cần hỗ trợ mức cao hơn, hấp dẫn hơn. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động, hướng dẫn để người dân thấy được lợi ích mục tiêu và quan điểm của Đảng, Nhà nước với chính sách ASXH.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước BHXH Việt Nam cần nghiên cứu để điều chỉnh chính sách để nâng mức hưởng thụ của người dân tham gia BHXH tự nguyện, bên cạnh hai chính sách: Hưu trí và tiền tuất, nâng thêm về chế độ thai sản..., tạo ra độ hấp dẫn với chính sách BHXH; Nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị, xã hội trong việc tuyên truyền để kêu gọi hội viên, thành viên của mình tham gia vào chính sách BHXH.
Đối với lao động khu vực phi chính thức, ông Phạm Trường Giang cho biết, sẽ có những hình thức lao động linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mức đóng, phương thức đóng chứ không như bảo hiểm bắt buộc. Chính vì thế, trong Nghị quyết 28 đã có điều chỉnh rất rõ là nghiên cứu, thiết kế các gói BHXH ngắn hạn, linh hoạt cho khu vực phi chính thức để phù hợp với mức đóng, phương thức đóng của người lao động khu vực phi chính thức khi tham gia.
Nhằm mở rộng và phát triển người tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện, hiện BHXH Việt Nam luôn coi người tham gia BHXH là khách hàng và các thiết kế trong phương thức tiếp cận để phục vụ chăm sóc người tham gia đã hướng đến lấy khách hàng làm trung tâm. Theo đó, một trong những cách thức mà BHXH Việt Nam đang tiến hành đó là mở rộng các mạng lưới (đại lý thu), các đại lý này sẽ được phân bổ rộng rãi ở các tuyến, làng xã để len lỏi vào các gia đình, các khu dân cư để tuyên truyền, hướng dẫn, vận động và thực hiện các thủ tục phục vụ cho người tham gia trong đăng ký và đóng BHXH.
Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định: Ý nghĩa quan trọng nhất của Nghị quyết 28/NQ-TW chính là ở hệ thống an sinh xã hội đa tầng, mà trong đó, tầng đầu tiên về chính sách hỗ trợ của Nhà nước là bảo đảm không có người dân nào rơi xuống dưới sàn an sinh xã hội và trong mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, không để ai bị bỏ lại phía sau. |