Diễn tập phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân hạ du các công trình thủy lợi, thủy điện Xử lý 5.589 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong ngày mùng 3 Tết |
Hành khách trở về Hà Nội trên chuyến tàu SE 8. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Với sự chỉ đạo sớm, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Giao thông Vận tải, các bộ: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Nhân dân các địa phương trong triển khai các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông-trật tự xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình trật tự, an toàn giao thông 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán cơ bản được đảm bảo, số vụ tai nạn giao thông có tăng nhưng số người chết do tai nạn giao thông đều giảm so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Đây là đánh giá của Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng về tình hình trật tự, an toàn giao thông dịp Tết năm nay.
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, toàn quốc xảy ra 541 vụ tai nạn giao thông, làm chết 214 người và 504 người bị thương; tăng 83 vụ, giảm 69 người chết, tăng 177 người bị thương so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023.
Đáng chú ý, theo số liệu của Bộ Y tế, số ca cấp cứu nghi liên quan đến tai nạn giao thông giảm 12,1%, số ca nghi tai nạn giao thông nằm viện theo dõi giảm 8,4%, số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm 22,4%. Không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Đặc biệt là số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn tiếp tục giảm sâu so với các năm trước.
Sản lượng vận tải tăng
Để phòng ngừa tai nạn giao thông và giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo cho nhân dân cả nước đón một cái Tết an ninh, an toàn, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 10/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.
Bộ Công an đã xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp cao điểm từ sớm, chỉ đạo Công an địa phương và lực lượng Cảnh sát Giao thông tổ chức triển khai trên toàn quốc, xuyên suốt dịp nghỉ Tết.
Cảng HKQT Nội Bài vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp tăng cường An ninh cấp độ 1 đến hết ngày 16/2/2024. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Trong các kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn thông dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân; bảo đảm giao thông thông suốt.
Đặc biệt là các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đối với phương tiện thủy chở khách. Cương quyết đình chỉ hoạt động các bến đò ngang trái phép, các phương tiện chở khách không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, chở quá số người quy định.
Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, siết chặt kỷ cương, trật tự trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong các lĩnh vực vận tải; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật các đơn vị kinh doanh, lái xe phục vụ hoạt động vận tải…
Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng kế hoạch và bảo đảm hoạt động vận tải chạy tàu Tết năm 2024 tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; kiểm tra thực tế tại nhà ga hành khách nội địa về triển khai Công điện số 10 tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất; hoạt động vận tải hành khách tại các bến xe, nhà ga và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Với hàng loạt biện pháp trên, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại.
Qua theo dõi của Cục Đường bộ Việt Nam, việc đi lại của người dân trên các phương thức vận tải trong dịp trước Tết Giáp Thìn 2024 đều tăng với năm trước do tình hình kinh tế đã được hồi phục, đặc biệt là Đà Nẵng, lưu lượng khách tăng cao bình quân từ 120-180%.
Các bến xe cơ bản thông thoáng, lượng xe xuất bến, lượng hành khách đi xe có tăng so với ngày thường vào những ngày đầu và cuối của kỳ nghỉ Tết nhưng ít xảy ra tình trạng chen lấn xô đẩy, các doanh nghiệp vận tải có quầy vé riêng đã chủ động bán vé cho hành khách từ trước với nhiều hình thức mua vé.
Các địa phương đã chỉ đạo chủ động bố trí xe dự phòng sẵn sàng giải tỏa hành khách nếu xảy ra ùn tắc, gia tăng lưu lượng đột biến; thực hiện tốt phương châm “không để người dân không có xe về quê ăn Tết.”
Tình trạng xe khách chở quá số người quy định còn xảy ra trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và đã được lực lượng chức năng kịp thời xử lý.
Bảy ngày Tết, ngành Đường sắt đã xuất ga 104 tàu khách Thống Nhất (giữ nguyên so với cùng kỳ năm 2023); 219 tàu khách địa phương (tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2023) phục vụ 204.798 lượt khách đi tàu (tăng 8,65% so với cùng kỳ năm 2023). Không để xảy ra mất an toàn, an ninh trật tự trong lĩnh vực vận tải đường sắt.
Tổng số lượt phương tiện vào cảng, bến thủy nội địa là 1.423 lượt và 108 phương tiện VR-SB (phương tiện thủy nội địa trên tuyến vận tải ven biển); số lượt phương tiện rời cảng, bến là 1.427 và 132 phương tiện VR-SB; lượt hành khách 2.628 người; hàng hóa thông qua 466.293 tấn và 6363 TEU.
Tổng số lượt phương tiện vào cảng hàng hải là 431 và số lượt phương tiện rời cảng là 504; lượt hành khách 12.213; hàng hóa hơn 1,9 triệu tấn.
Các cảng Hàng không Việt Nam đạt 12.199 lượt cất hạ cánh, lượng hành khách tăng 0,7% và sản lượng tăng 4% so với cùng kỳ 2023.
Giao thông cơ bản thông suốt
Liên quan đến tình hình giao thông, Bộ Công an cho biết ùn, tắc giao thông trong dịp nghỉ Tết chủ yếu tập trung tại các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào các ngày cao điểm (tức ngày 29-30 Tết và ngày mùng 4-5 Tết) là thời điểm người dân về quê ăn Tết và những ngày sau Tết khi người dân quay trở lại thành phố sinh sống, làm việc.
Nguyên nhân do lưu lượng giao thông tăng cao vượt xa năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Một số trạm thu phí, mặc dù đã triển khai hệ thống thu phí không dừng nhưng do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao so với ngày thường và do va chạm giao thông dẫn đến tình trạng ùn, tắc cục bộ.
Cơ quan chức năng, đặc biệt là Cảnh sát Giao thông, Công an đã có kế hoạch từ sớm, chủ động triển khai lực lượng ứng trực tại các tuyến đường trọng điểm, các điểm ùn tắc để phân luồng, phân làn, xử lý kịp thời, giảm tối đa các vụ ùn, tắc giao thông kéo dài.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt lực lượng Cảnh sát Giao thông và Công an các địa phương tăng cường 100% quân số ứng trực và tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt xử lý chuyên đề về nồng độ cồn, ma túy xuyên suốt Tết Nguyên đán, những giải pháp này đóng góp lớn giúp kéo giảm tai nạn giao thông trong dịp Tết.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Dự báo sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân của người dân tăng cao, ùn tắc giao thông sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp đặc biệt trên các trục chính và các đầu mối giao thông quan trọng của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa điểm du lịch trên cả nước.
Chốt kiểm tra nồng độ cồn. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN) |
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động giao thông, vận tải trong các ngày sau Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2024, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt Công điện số 10, ông Khuất Việt Hùng cho rằng các bộ, ngành thành viên Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Ban An toàn Giao thông tỉnh, thành phố cần tiếp tục triển khai phương án tăng cường năng lực vận tải, siết chặt kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện và người lái, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định, ôtô chở quá số người quy định.
Đồng thời, tăng cường tổ chức giao thông khoa học, thuận lợi. Chú trọng việc cung ứng các dịch vụ vận tải hành khách công cộng đường bộ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm các chuyến đi bằng phương tiện cơ giới cá nhân trên cự ly dài trên các quốc lộ, cao tốc, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải khi học sinh đi học trở lại và mùa Lễ hội Xuân bắt đầu tại nhiều địa phương.
Đặc biệt là tăng cường năng lực vận tải hàng không, tổ chức giao thông hợp lý để kéo giảm tình trạng ùn tắc, chậm, hủy chuyến tại các cảng hàng không, tổ chức ứng trực để kịp thời phát hiện và xử lý các sự vụ ùn tắc tại khu vực các cảng hàng không.
Lực lượng chức năng tiếp tục duy trì tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là hành vi vi phạm có tính phổ biến trong dịp Lễ hội./.