Được biết, 21 cặp đôi tham gia lễ cưới tập thể đều là những gia đình gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, có nhiều cặp đôi đã đăng ký kết hôn từ 7 – 9 năm, có cặp đôi đã hơn 20 năm nhưng chưa có điều kiện tổ chức đám cưới. Cặp đôi trẻ nhất là chú rể 24 tuổi, cô dâu 23 tuổi, cặp đôi cao tuổi nhất là cụ ông 78 tuổi, cụ bà 73 tuổi và lẽ ra đám cưới của họ được tổ chức từ 49 năm trước.
Lần đầu tiên Hà Nội tổ chức lễ cưới tập thể cho người khiếm thị gặp khó khăn |
Chương trình đám cưới tập thể với chủ đề “Hạnh phúc của bạn - Niềm vui của chúng tôi” nhằm tạo điều kiện cho những người khiếm thị, khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có được cảm xúc sống trong ngày cưới hạnh phúc, ghi dấu kỷ niệm, đồng thời có động lực để vun đắp hạnh phúc gia đình.
Ông Lê Trung Quyết – Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội cho biết: “Lễ cưới tập thể được tổ chức văn minh, trang trọng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, ấn tượng, đúng pháp luật. Đây cũng là một trong các hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 37 năm Ngày quốc tế Người khuyết tật (3/12)”.
Trao nhẫn cưới cho các cặp đôi dự lễ cưới tập thể |
Trong vai trò nhà tổ chức, bà Nguyễn Thị Minh Thảo – Giám đốc Trung tâm Tiệc cưới Sapphire chia sẻ, chương trình này sẽ thắp sáng và lan tỏa tình cảm yêu thương, chung thủy trong mỗi gia đình người khiếm thị và cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. “Đồng thời, trao gửi những giá trị nhân văn để những cặp đôi khiếm thị có được một đám cưới trọn vẹn và hạnh phúc”- bà Thảo nói.
Cắt bánh cưới |
Tất cả các cặp đôi tham dự lễ cưới tập thể này đều được hỗ trợ toàn bộ chi phí tổ chức tiệc cưới theo nếp sống mới, hỗ trợ ảnh cưới, trang phục, nhẫn cưới, cơ sở vật chất, điều kiện đi lại… Đặc biệt, Ban tổ chức sẽ trao 7 sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng mỗi sổ cho 7 cặp vợ chồng khó khăn nhất với mong muốn họ tự tin hơn, vượt qua số phận để hòa nhập với xã hội.
Chúc mừng hạnh phúc giản dị mà đủ đầy |
Chia sẻ cảm xúc, chị Quách Thị Hồng Nhiên, vợ anh Nguyễn Văn Thành (xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) bày tỏ: “Hai vợ chồng tôi đều hỏng mắt, đến với nhau bằng sự sẻ chia và yêu thương. Do cả hai bên gia đình đều không có điều kiện kinh tế cũng như tâm lý tự ti, mặc cảm nên chúng tôi không tổ chức đám cưới, chỉ làm mâm cơm thắp hương tổ tiên”. “Trong lễ cưới hôm nay, chúng tôi được sống trong những giây phút trọng đại, hạnh phúc nhất của mỗi con người” – chị Nhiên xúc động nói.
Những người có mặt tại lễ cưới đặc biệt này đều cảm thấy tràn ngập một không khí hạnh phúc, tràn đầy yêu thương khi vượt lên tất cả tình yêu đã giúp những người lâm cảnh ngộ đến với nhau. Lần đầu tiên trong bộ trang phục cưới, họ bước vào giấc mơ có thật mà trước giờ tưởng chừng không bao giờ có. Đó chính là một câu chuyện của những gia vị hạnh phúc đủ đầy, trọn vẹn theo một cách riêng.