Bắc Giang tạo đột phá phát triển sản phẩm nông nghiệp miền núi |
Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã từng bước tổ chức lại sản xuất cho hầu hết các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng hàng hóa tập trung. Nhiều giải pháp khoa học và công nghệ được ứng dụng trong chọn tạo giống, công nghệ cao, canh tác theo hướng thực hành nông nghiệp tốt. Qua đó, năng suất, chất lượng, sản lượng và thương hiệu của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực từng bước được nâng cao. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh bước đầu đã khẳng định vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của ngành nông nghiệp.
Dù có dư địa phát triển lớn trong xuất khẩu và tiêu dùng trong nước nhưng giá trị gia tăng và thương hiệu sản phẩm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường. Trong khi đó, các thách thức của thị trường đã và đang ngày một lớn. Mức độ cạnh tranh đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế của tỉnh ngày càng gia tăng từ các tỉnh, vùng có điều kiện phát triển tương tự. Rào cản kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp ngày càng khắt khe và trở thành yêu cầu bắt buộc. Do vậy, việc đầu tư khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh lúc này đang thực sự cần thiết.
Bơ là loại cây trồng thế mạnh của tỉnh Đắk Nông. Việc phát triển cây bơ bền vững, gắn với thế mạnh đặc trưng, có nhãn hiệu, thương hiệu luôn được tỉnh quan tâm. Ảnh: Đoàn Kiên |
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 643/KH-UBND thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những nội dung của Kế hoạch là xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ trong toàn bộ các khâu theo chuỗi giá trị nhằm tạo ra sự bứt phá đối với 03 sản phẩm có lợi thế của tỉnh là chanh dây, bơ và mắc ca, đảm bảo phát triển thực sự bền vững, đóng góp vượt trội cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cụ thể, mục tiêu của kế hoạch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Đảm bảo các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được triển khai đều có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ hợp tác.
Tỉnh Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030: Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được quản lý bằng bộ công cụ chuyển đổi số, đáp ứng với yêu cầu chuyển đổi số của tỉnh, được đăng ký bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ. Có ít nhất 03 sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp huyện/tiềm năng được áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ ở tất cả các khâu trong tạo giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ và trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh. Triển khai được 03 đến 05 mô hình do doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chủ trì ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao, tham gia sản xuất 03 sản phẩm nông nghiệp chủ lực với quy mô đủ lớn, ứng dụng công nghệ số hoặc mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đáp ứng được mục tiêu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) của tỉnh.
Cùng với đó, hình thành được từ 01 đến 02 “Trung tâm sản xuất một số giống cây trồng chủ lực chất lượng cao” thuộc doanh nghiệp đạt chuẩn ở quy mô cấp Vùng và 01 đến 02 nhà máy/cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp chủ lực với công nghệ tiên tiến, hiện đại có được nhiều chủng loại sản phẩm chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế.
Đắk Nông hướng tới thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm mắc ca. Ảnh: Đức An |
Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ nghiên cứu điều chỉnh, ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ theo hướng nhà nước đặt hàng trực tiếp với doanh nghiệp để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư. Ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai bộ công cụ quản lý đảm bảo giám sát đồng bộ các khâu theo chuỗi giá trị nhằm truy xuất nguồn gốc, phát hiện kịp thời các biến động trong toàn bộ quá trình sản xuất đối với các sản phẩm nông sản. Đảm bảo dự đoán được năng suất, chất lượng và sản lượng dự kiến thu được theo vụ hoặc hàng năm. Rà soát, bổ sung xây dựng Kế hoạch triển khai đăng ký bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm.
Ngoài ra, xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm được tạo ra từ người dân và doanh nghiệp chế biến. Duy trì tổ chức các hội chợ, triển lãm xúc tiến đầu tư về nông nghiệp, sản phẩm chế biến.
Theo Kế hoạch, UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Công Thương tỉnh phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hoạt động buôn lậu và gian lận trong thương mại; Tham mưu đề xuất ban hành và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên sâu theo nhóm ngành nghề hoặc sản phẩm, từng thị trường trọng điểm hoặc các vấn đề quan trọng khác phục vụ nhu cầu cụ của các doanh nghiệp và các đối tượng khác; tập huấn về kỹ năng, công cụ cho doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. |