Xuất nhập khẩu hàng hoá vượt mốc 400 tỷ USD Thông tin mới về giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn từ 1/8/2024 |
Đắk Nông có 7 xã biên giới, với 141km đường biên (trong đó có những đoạn chưa phân định) giáp ranh với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Những năm qua, các cấp, chính quyền địa phương đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện, đặc biệt là đầu tư phát triển hạ tầng thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế vùng “phên dậu” của Tổ quốc.
Đường vào cửa khẩu Bu P'răng đoạn qua xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông (Ảnh: Báo Đắk Nông) |
Trên tuyến biên giới Đắk Nông hiện có 2 cửa khẩu gồm Bu Prăng tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức và Đắk Per tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil và 4 chợ gồm chợ xã Thuận An, huyện Đắk Mil; chợ xã Đắk Wil, huyện Cư Jút; chợ xã Quảng Trực, chợ xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa của nhân dân khu vực biên giới, giao thương với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia và các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển (Việt Nam-Lào-Campuchia). Giao thương khu vực biên giới góp phần nâng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh.
Về xuất nhập khẩu khẩu, theo số liệu của Sở Công Thương Đắk Nông, kim ngạch xuất khẩu 06 tháng đầu năm 2024 dự kiến đạt 420 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của địa phương là cà phê, điều nhân, tiêu đen, đậu phộng sấy, ván MDF, alumin... Kim ngạch nhập khẩu 06 tháng đầu năm 2024 dự kiến đạt 132 triệu USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một phần kim ngạch xuất nhập khẩu thu được qua cửa khẩu của tỉnh.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch triển khai Quyết định số 1200/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, từ năm 2021 đến năm 2030, tỉnh Đắk Nông từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối cửa khẩu với nội địa. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối với cửa khẩu như: Cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 1, tỉnh lộ 6, đường kết nối cửa khẩu Đắk Peur tới tỉnh lộ 3... Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối giữa cửa khẩu Đắk Peur/Đắk Nông - Nam Lear/Mondulkiri; Bu P’răng/Đắk Nông - Đắk Đam/Mondulkiri.
Đầu tư có định hướng cơ sở hạ tầng, kho bến bãi và các khu chức năng bảo đảm trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đồng bộ tại cửa khẩu Đắk Peur, Bu P’răng tiến tới hình thành hệ thống cửa khẩu xanh, sạch với mục tiêu thông quan nhanh chóng, hiệu quả.
Từng bước hướng tới xây dựng cửa khẩu Đắk Peur, Bu P’răng trở thành cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh có sự liên thông thủ tục hành chính giữa hai bên phù hợp với khả năng và thỏa thuận với nước láng giềng. Tại từng cửa khẩu, quy hoạch các khu chức năng một cách hài hòa, hợp lý; bảo đảm phù hợp với địa hình tự nhiên, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái ở khu vực biên giới.
Hình thành các khu vực cửa khẩu Đắk Peur, Bu P’răng có hoạt động thương mại, logistics, du lịch và dịch vụ phát triển tương xứng với tiềm năng và nhu cầu giao thương giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam và Campuchia.
Tầm nhìn đến năm 2050 nâng cấp cửa khẩu Bu P'răng từ cửa khẩu chính thành cửa khẩu quốc tế.
Bên cạnh Kế hoạch kể trên, Quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng được ban hành nhằm tạo tiền đề phát triển thương mại dịch vụ, du lịch và tăng cường giao lưu hợp tác hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia.
Song song với đó, nhằm tập trung mọi nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 384/KH-UBND về phát triển hạ tầng thương mại biên giới đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030.
Kế hoạch chỉ rõ, Đắk Nông sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng thương mại biên giới; rà soát, tích hợp các quy hoạch liên quan hạ tầng thương mại biên giới vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia; thu hút, huy động nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại biên giới; kết nối, hợp tác phát triển thương mại biên giới với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia; phát triển đội ngũ thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh trong các loại hình hạ tầng thương mại biên giới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý hạ tầng thương mại biên giới; tuyên truyền, quảng bá về phát triển hạ tầng thương mại biên giới và xây dựng cơ sở dữ liệu về phát triển hạ tầng thương mại biên giới.