Điều tra làm rõ vụ việc trạm quản lý bảo vệ rừng ở Đắk Nông bị xả súng Đắk Nông: Khởi tố nhóm côn đồ giữ người trái phép, cưỡng đoạt tài sản Đắk Nông: Nguyên Giám đốc Sở Xây dựng bị khởi tố |
Giăng bẫy đinh, đốt phá trạm canh gác
Mới đây Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1 thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn tổ chức tuần tra tại tiểu khu 1644. Thời điểm này, lực lượng phát hiện 1 nhóm đối tượng đang cắt khúc, gom dọn cây rừng đã cưa hạ trước đó.
Khi tiếp cận đối tượng, 1 nhân viên quản lý bảo vệ rừng đã trúng bẫy đinh của lâm tặc rồi bị thương. Mở rộng kiểm tra hiện trường Trạm Quản lý bảo vệ rừng phát hiện thêm nhiều bẫy đinh được mài sắc nhọn ngụy trạng trên các tuyến đường tuần tra để bẫy cán bộ quản lý rừng.
Lâm tặc rải đinh bẫy các nhân viên, cán bộ quản lý bảo vệ rừng ở tỉnh Đắk Nông. |
Mặt khác, lâm tặc cũng canh chừng, lợi dụng lúc lực lượng quản lý bảo vệ rừng đi tuần tra rừng thì tiến hành rạch lều bạt, đốt phá chốt quản lý bảo vệ rừng nằm trên lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý.
Cũng liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, anh Lương Văn Phú, nhân viên chốt quản lý bảo vệ rừng số 3 của Công ty TNHH MTV Đắk N'tao cho biết, chốt có 3 nhân viên được giao quản lý hơn 1.000ha đất lâm nghiệp và rừng tự nhiên.
Hiện đang có khoảng 150ha bị người dân di cư tự do lấn chiếm, sinh sống nên lực lượng chức năng rất khó quản lý, bảo vệ. Thời gian qua, người dân đã tổ chức cho người canh gác, cảnh giới ngược lại đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng.
Do đó, khi lực lượng tuần tra khu vực này thì người dân lại lấn chiếm đất, rừng khu ở vực khác. Điều đáng nói, việc lấn chiếm rừng thường được thực hiện vào ban đêm.
Sau những cú ngã, cán bộ giữ rừng bị đinh đâm trúng tay |
Tại các khu vực tiếp giáp với nương rẫy cũ, mỗi năm người dân lấn thêm một ít. Khi phá rừng, người dân cũng tinh vi như dùng cưa điện, cưa tay, cắt cây nhằm không phát ra tiếng động. Cây sẽ được cắt đứt một phần rồi chờ gió làm đổ ngã rồi người dân mới tiến hành đốt dọn, trồng cây.
Thậm chí, khi lực lượng chức năng truy quét mạnh thì sẽ bị trả đũa. Trước đây, lâm tặc đã đem chất bẩn, đá ném vào chốt và đập vỡ cửa, đốt trạm gác.
Nhiều đêm anh em đi tuần tra về phát hiện khóa cửa bị nêm gỗ hoặc đinh sắt vào bên trong. Khi đó, anh em phải ngủ ngoài bìa rừng… vì không có dụng cụ phá khóa.
Sẵn sàng dùng súng và bom xăng để trả đũa cán bộ giữ rừng
Theo ông Đinh Văn Nam, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Quảng Sơn thì áp lực đối với công tác quản lý bảo vệ rừng đang ngày càng gia tăng.
Vừa qua, ở trên lâm phần do đơn vị quản lý đã xảy ra sự việc lâm tặc ngang nhiên, tổ chức nhóm, mang hung khí, dao rựa, súng tự chế chặn đường, chĩa súng, dao, đe dọa lực lượng quản lý bảo vệ rừng để cướp tang vật phá rừng. Khi tiếp xúc với lực lượng của đơn vị, lâm tặc đã ra tay đập phá, chặt chém phương tiện mà anh em sử dụng để tuần tra.
Lâm tặc dùng xăng để đốt lán trại của lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn. |
Không dừng lại ở đó, thời gian gần đây, lâm tặc đã liều lĩnh hơn trong việc trả đũa cán bộ quản lý bảo vệ rừng. Cụ thể, lâm tặc đã dùng xăng để đốt trạm trực chốt của lực lượng quản lý bảo vệ rừng.
Đáng báo động hơn là sự việc xảy ra vào khoảng 20h ngày 23.5.2023 khi có một đối tượng (chưa rõ danh tính) đã dùng súng tự chế bắn vào Trạm Quản lý, bảo vệ rừng số 4, ở thôn 12, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong. Lúc này, trong trạm có 4 nhân viên quản lý, bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn. Rất may, vụ việc chỉ làm vỡ cửa kính, không có người nào bị thương. Cũng tại khu vực này trước đây lực lượng chức năng của Công ty và các đơn vị khác đã nhiều lần tổ chức các đợt truy quyét vàng tặc.
“Thực tế hiện nay, lâm tặc đang ngày càng liều lĩnh, manh động dùng mọi thủ đoạn để phá rừng, lấn, chiếm đất rừng. Thế nhưng, quyền hạn, chức năng nhiệm vụ của đơn vị thì hạn chế, chủ yếu dừng lại ở việc phát hiện và ngăn chặn nên không có tính răn đe” – ông Nam chia sẻ.
Người giữ rừng ở Đắk Nông phải làm việc 24/24h trong môi trường rừng thiêng, nước độc, không điện, không sóng điện thoại, không đường đi… |
Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao Phùng Văn Kiên, chủ rừng hiện bị hạn chế rất nhiều bởi các quy định pháp luật, nhất là đối với việc xử lý hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Chủ rừng chỉ bảo vệ, phát hiện hành vi vi phạm, lập biên bản vụ việc ban đầu và báo cáo vụ việc. Trong khi đó, thẩm quyền xử lý vi phạm lại thuộc về chính quyền địa phương, kiểm lâm, công an...
Trên thực tế cho thấy, đã xảy ra tình trạng chính quyền địa phương không đủ người để phối hợp, dẫn đến vụ việc không được xử lý, hoặc xử lý không kịp thời, triệt để.
Hệ quả, đã có hàng nghìn hộ dân làm nhà, sản xuất nông nghiệp, chiếm dụng đất và sinh sống trái phép trong lâm phần do công ty quản lý.
"Chủ rừng không có thẩm quyền về kiểm tra, cưỡng chế, quản lý hành chính về dân cư. Cũng có lần lực lượng đơn vị tuần tra rừng vào buổi tối thì bị lâm tặc bịt khẩu trang, kề dao vào cổ dọa chém" - ông Kiên cho biết.
Theo ông Lê Quang Dần, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho hay, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng đang quản lý khoảng 200.000ha rừng tự nhiên.
Hàng ngày, người làm công tác giữ rừng luôn phải làm việc 24/24h ở giữa rừng thiêng nước độc, không có điện, sóng điện thoại, nước sạch… Trong khi đó, ở chiều ngược lại thì chế độ chính sách đãi ngộ người làm nghề giữ rừng chưa thực sự tương xứng với công sức mà người lao động bỏ ra.
Thế nên, hiện nay, đời sống của nhiều cán bộ, công nhân viên người lao động ở các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng… đang gặp phải rất nhiều khó khăn, áp lực.
“Trong bối cảnh lâm tặc ngày càng manh động, liều lĩnh, chế độ làm việc chịu nhiều áp lực và rất dễ bị quy kết trách nhiệm để mất rừng nên đã có nhiều người bỏ nghề rừng để tìm đến công việc khác” – ông Dần cho hay.