Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Đắk Nông trong tháng 06/2021 dự kiến tăng 4,85% so với tháng 05/2021 và tăng 2,19% so với cùng kỳ năm 2020.
Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,35% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 16,71%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,24%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 3,23%; Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,21%.
Các nhà máy chế biến mủ cao su hoạt động trở lại giúp nâng cao chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn Đắk Nông (Ảnh minh họa) |
Nửa đầu năm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng nhẹ so với tháng trước, nhà máy chế biến mủ cao su hoạt động trở lại. Sản phẩm gỗ dán, ván ép và khí cacbon điôxit giảm so với tháng trước.
Về thương mại, trong tháng 6/2020 tình hình thị trường hàng hoá trên địa bàn tỉnh ổn định và đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, các hoạt động lưu trú, ăn uống, dịch vụ, du lịch đều giảm so với tháng trước, do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 06/2021 ước đạt 1.374,68 tỷ đồng, tăng 0,32% so với tháng 05/2021 và tăng 4,82% so với cùng kỳ năm 2020. Cộng dồn 06 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 8.337,65 tỷ đồng, tăng 10,47% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng về hoạt động ngoại thương, nửa đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh ước đạt 429,6 triệu USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 135,1 triệu USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Để có được kết quả này, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông đã triển khai hàng loạt giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong ngành Công Thương. Đơn cử, cung cấp cho Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương các thông tin, số liệu về tình hình phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch phát triển công nghiệp trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, lập hồ sơ, đăng ký Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực của tỉnh tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021. Rà soát, đề xuất các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong ngành Công Thương điều chỉnh, bổ sung vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Bên cạnh đó, đề xuất Bộ Công Thương các dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đề xuất phối hợp thực hiện các chương trình đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp năm 2021; cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đến vụ hoặc sắp vào vụ thu hoạch của tỉnh Đắk Nông.
Trước những kết quả đạt được, trong tháng 7, Sở Công Thương Đắk Nông sẽ thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác, chế biến quặng wolfram tại mỏ Wolfram Đăk R’măng, huyện Đăk G’long của Công ty Wolfram Đăk Nông. Bên cạnh đó, kiểm tra thực địa vị trí đề xuất chấp thuận chủ trương nạo vét lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 của Công ty TNHH Phước An. Ngoài ra, trình UBND tỉnh xem xét ban hành: Quyết định ban hành Kế hoạch Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Quyết định ban hành Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Sở sẽ xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với 03 Phiên chợ hàng Việt về miền núi tại huyện Đắk Mil, huyện Đắk R’Lấp và huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại cấp quốc gia năm 2021, trình Cục Xúc tiến Thương mại xem xét phê duyệt. Từ đó thúc đẩy thị trường nội địa phát triển.