Đắk Lắk: "Giải phóng" voi nhà khỏi du lịch cưỡi voi Đắk Lắk: Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn |
Ngày 9/2, Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) xác nhận sẽ chấm dứt việc dùng voi phục vụ khách du lịch và sẽ tư vấn cho khách tham quan chuyển sang sử dụng sản phẩm du lịch thân thiện với voi và các sản phẩm khác.
Việc dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ cưỡi voi nhằm thực hiện chủ trương của lãnh đạo tỉnh về lộ trình dừng dịch vụ cưỡi voi trong hoạt động du lịch để bảo tồn đàn voi nhà của tỉnh, chuyển dần sang mô hình du lịch voi thân thiện.
"Thay thế vào đó sẽ là bộ sản phẩm du lịch mới đậm nét văn hóa địa phương gắn liền với hệ sinh thái độc đáo Làng Đảo Buôn Đôn và liên kết cộng đồng cùng phát triển. Đến với Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn hôm nay, du khách sẽ được nhìn thấy hình ảnh những chú voi Buôn Đôn trong bộ dáng thảnh thơi, dạo chơi, vui đùa cùng du khách với ánh mắt tươi vui và hạnh phúc...", đơn vị này cho biết.
Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn hiện có hai con voi và hợp đồng với người dân 4 con voi. Dịp Tết Quý Mão 2023, giá vé cưỡi voi là 500.000 đồng/voi/hai khách. Giá vé xem voi, chụp hình với voi là 100.000 đồng/du khách. Ngoài ra, du khách còn tương tác, cho voi ăn với giá 30.000 đồng/bó mía.
Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn sẽ dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ cưỡi voi và chuyển sang dịch vụ du lịch voi thân thiện với du khách. |
Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 2486/QĐ-UBND ngày 4/11/2022 về việc phê duyệt Dự án hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Dự án hướng tới thay thế hoàn toàn hình thức du lịch cưỡi voi, đồng thời hỗ trợ chủ, nài voi và các trung tâm chăm sóc voi nhằm đảm bảo voi được bảo tồn, chăm sóc, kéo dài tuổi thọ.
Nguồn kinh phí thực hiện dự án là trên 55 tỷ đồng do Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation - AAF) tài trợ, thời gian thực hiện từ tháng 11/2022 đến 12/2026, tại huyện Buôn Đôn (vườn quốc gia Yok Đôn, trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật; các công ty du lịch trên địa bàn) và huyện Lắk.
Mục tiêu của dự án nhằm triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà và duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Dự án hướng đến kết quả chủ yếu là Mô hình du lịch thân thiện với voi được thực hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn và huyện Lắk, thay thế hoàn toàn cho hình thức du lịch cưỡi voi; đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ; chủ và nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi; các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi; thành lập hợp tác xã du lịch nhằm quản lý, vận hành mô hình du lịch thân thiện với voi tại huyện Lắk; hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ và bảo tồn loài voi được phổ biến lan tỏa hiệu quả cao tới các tầng lớp xã hội, cộng đồng…