Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Cần những bước đi đột phá, quyết liệt hơn Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức! |
Ngày 27/6, tại Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo: "Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu" với mục tiêu góp phần thúc đẩy tiến trình “chuyển đổi xanh”, đưa nền kinh tế Việt Nam theo hướng “tăng trưởng xanh”, bền vững, thực hiện cam kết về Net-Zero phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 và hội nhập cùng xu hướng phát triển của thế giới.
Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế: Bộ Tài chính, VCCI, Ngân hàng Thế giới, EuroCham, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)... cùng các bộ, ngành, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham dự sự kiện.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam cho biết: Thời gian qua, chủ đề Net - Zezo đã nhận được sự hưởng ứng của các bộ, ngành, doanh nghiệp... Phát huy vai trò của cơ quan báo chí, Đài truyền hình Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình truyền thông về tăng trưởng xanh, chuyển dịch xanh, phát triển bền vững cùng một loạt các chuyên mục liên quan đến bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn. Trong đó, Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng một chương trình dành riêng với chủ đề Net - Zezo đã nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành, góp phần thay đổi thói quen, nhận thức của cả cộng đồng xã hội, nâng cao công tác truyền thông chính sách.
Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu tại Hội thảo |
Chủ đề Net Zero luôn được Đài Truyền hình Việt Nam truyền thông một cách dễ hiểu, dễ nhớ đối với công chúng, từ đó góp phần từng bước thay đổi thói quen, nhận thức và trở thành động lực của cả cộng đồng hướng tới phát triển xanh, bền vững. Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh, giảm phát thải, xanh hóa chuỗi cung ứng là hướng đi cần thiết và mở ra không ít cơ hội trong đó có cơ hội được nhận những nguồn vốn xanh từ bên ngoài.
Tại Hội nghị COP 26 năm 2021, chung tay với cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết về việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: Thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xanh, trong thời gian qua, nhiều chính sách tài chính đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương này, góp phần tạo điều kiện huy động và thu hút nguồn lực đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh.
Hội thảo Chuyển dịch Xanh - Lợi thế người dẫn đầu được tổ chức sáng ngày 27/6 tại Hà Nội |
Bên cạnh đó, chi ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm đã được bố trí đảm bảo đúng quy định, năm sau cao hơn năm trước về số tuyệt đối và đạt tỷ lệ khoảng 1,2% tổng chi ngân sách Nhà nước. Bình quân 5 năm trở lại đây, bố trí chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường đạt trên 21 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
"Bên cạnh nguồn lực công, trong những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh"- Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Hiện Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách Nhà nước nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý cho ngân sách Nhà nước. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, làm căn cứ để các chủ thể phát hành lựa chọn dự án xanh để sử dụng vốn từ trái phiếu xanh.
Đối với thị trường carbon trong nước, từ nay đến hết năm 2027, Bộ Tài chính sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028. Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường carbon, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường carbon để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến nay, có khoảng 140 quốc gia, tương đương gần 90% tổng lượng phát thải trên cầu, gồm các nước phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net-zero - phát thải ròng khí nhà kính bằng 0.
Các đại biểu tham gia hội thảo |
Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050, một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070.
Tháng 11/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP 26, Việt Nam đã đưa ra một loạt cam kết, trong đó có đặt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để thực hiện mục tiêu này, không chỉ ở tầm quốc gia, mà từng ngành, từng doanh nghiệp đã, đang và sẽ hướng tới mục tiêu này như thế nào? Các cơ chế chính sách trong thời gian tới sẽ tác động trực tiếp tới doanh nghiệp ra sao, doanh nghiệp cần làm gì để tránh rủi ro và nắm bắt cơ hội?
Với vai trò kết nối, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo: "Chuyển dịch Xanh - Cơ hội người dẫn đầu" với kỳ vọng đây sẽ là một diễn đàn góp phần tạo nên một sự kết nối cởi mở giữa các doanh nghiệp và những người làm chính sách.
Các diễn giả tham gia Phiên 1 với chủ đề “Net-Zero - Lợi thế người dẫn đầu” |
Hội thảo diễn ra trong buổi sáng đã thu hút sự tham gia của khoảng 300 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông báo chí. Hội thảo cũng đã tạo ra một diễn đàn trao đổi cởi mở, thẳng thắn, thu thập thêm được nhiều ý tưởng, đề xuất, góp phần tạo động lực, niềm tin trong hành trình không ít thách thức để chinh phục mục tiêu Net-Zero.