Trao đổi về chủ đề "người nhạc trưởng” trong các cuộc đàm phán thương mại cùng phóng viên Báo Công Thương, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chia sẻ nhiều góc nhìn sâu sắc về những thành tựu, thách thức và triển vọng của kinh tế đối ngoại Việt Nam. |
Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam có một mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng lớn và hiệu quả như hiện nay. 17 hiệp định thương mại đã được ký kết, bao gồm những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP, giúp Việt Nam kết nối với những nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Thành công này có sự đóng góp rất lớn của Bộ Công Thương - cơ quan đầu mối trực tiếp đàm phán và triển khai các cam kết quốc tế. |
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, kinh tế đối ngoại là một trong những trụ cột quan trọng của chính sách ngoại giao Việt Nam: “Việt Nam không chỉ chủ động tham gia mà còn đóng vai trò tích cực trong nhiều khuôn khổ hợp tác kinh tế khu vực và toàn cầu. Từ một quốc gia bị cấm vận, chúng ta đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thế giới. Đó là một hành trình đầy nỗ lực, trong đó Bộ Công Thương giữ vai trò như một ‘người nhạc trưởng’ trong các cuộc đàm phán thương mại”. |
Dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng để có thể tận dụng hết hiệu quả các FTA vẫn là một bài toán không dễ dàng. Một trong những thách thức lớn nhất là khả năng thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam trước những tiêu chuẩn cao của thị trường quốc tế. “Chúng ta có cơ hội, nhưng nếu không chuẩn bị tốt, cơ hội đó có thể trở thành thách thức”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh. “Lấy ví dụ từ EVFTA, ngoài ưu đãi thuế quan, EU cũng đặt ra những yêu cầu rất nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ, môi trường và lao động. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được thì lợi thế từ hiệp định cũng trở nên vô nghĩa”. |
Trong bối cảnh hội nhập, thông tin và truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc đưa chính sách đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân. Báo Công Thương - cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương - đã làm tốt nhiệm vụ này khi trở thành cầu nối giữa chính sách và thực tiễn, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các hiệp định thương mại, cơ hội và thách thức trong hội nhập. Đại sứ Phạm Quang Vinh dành lời khen ngợi cho vai trò của báo chí, đặc biệt là Báo Công Thương trong việc thông tin, tuyên truyền về kinh tế đối ngoại. “Một chính sách dù có hay đến đâu nhưng nếu không được truyền thông đúng cách sẽ rất khó triển khai hiệu quả. Báo Công Thương đã làm rất tốt vai trò của mình trong việc mang đến những thông tin kịp thời, chính xác và hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp. Đây không chỉ là việc đưa tin mà còn là một phần của chiến lược kinh tế đối ngoại, giúp nâng cao nhận thức và sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam khi bước ra thị trường thế giới”. Ông cho biết thêm: "Nói về Báo Công Thương, các bạn có thể tự hào một điều rằng, tờ báo chính là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, một bộ chủ chốt của kinh tế Việt Nam. Toàn bộ các lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý rất rộng lớn. Khi nói về lĩnh vực Công Thương, tôi rất quan tâm đến lĩnh vực kinh tế đối ngoại. Những gì chúng ta đang tham gia hoạt động đối ngoại, cả tầm quốc gia, tầm bộ, ngành, của các địa phương và doanh nghiệp, chúng ta phải làm đối ngoại. Điều thứ hai, chỉ có người trong ngành mới nói đúng và trúng các chính sách chuyên sâu về ngành đó. Vậy nên những thông tin, chính sách hướng dẫn về các FTA, khai thông kết nối các cơ hội, những thông tin dự báo sự cạnh tranh của các nước lớn có thể đứt gãy các chuỗi cung ứng và tạo ra những rủi ro, kể cả vấn đề khủng hoảng địa chính trị,... Báo Công Thương sẽ là cánh cửa thông tin đưa ra những thông tin đi trước để tư vấn đến độc giả. Điều thứ ba, Báo Công Thương là báo chuyên ngành, nhưng đồng thời là đại diện của quốc gia trong chuyên ngành đó, thế nên, thông tin của tờ báo phải luôn hướng tới độc giả. Mà độc giả là quốc gia, là toàn dân, thậm chí cả đối tượng độc giả quốc tế. Vậy nên đối với mỗi người, Báo Công Thương phải giải đáp các thông tin của ngành một cách đầy đủ nhất, nhanh nhất. Phải làm sao khi nhắc tới các vấn đề kinh tế, giao thương, thương mại, xuất nhập khẩu… chúng ta sẽ nghĩ ngay đến việc truy cập, tìm kiếm các thông tin, chính sách tại Báo Công Thương. Tôi tin là các bạn đã, đang làm được và sẽ tiếp tục làm rất tốt!”, Đại sứ Phạm Quang Vinh khích lệ. |
Nhìn về tương lai, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mới. Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, mở ra cơ hội thu hút đầu tư lớn hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Ngoài ra, việc tham gia sâu hơn vào các diễn đàn kinh tế khu vực như ASEAN, APEC và G20 cũng giúp Việt Nam có tiếng nói quan trọng hơn trong các vấn đề kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng tốt những cơ hội này, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các chuỗi cung ứng quốc tế. Kinh tế đối ngoại sẽ tiếp tục là một công cụ quan trọng để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế thế giới. “Thế giới không ngừng vận động, và Việt Nam cũng vậy. Hội nhập kinh tế không chỉ là một chiến lược mà còn là hành trình định hình tương lai của đất nước. Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc, cũng không thể chậm chân. Mỗi doanh nghiệp, mỗi cơ quan và mỗi người dân đều là một phần của câu chuyện này. Và nếu tất cả cùng nắm bắt cơ hội, Việt Nam không chỉ tiến xa, mà còn tiến bền vững”. Nhấn mạnh về vai trò của kinh tế đối ngoại, đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ thêm, đây không chỉ là chìa khóa mở ra cánh cửa hội nhập mà còn là sợi dây kết nối Việt Nam với thế giới, là cơ hội mới mẻ cần phải nắm bắt. Hành trình ấy đầy thách thức nhưng cũng mang đến những cơ hội chưa từng có. “Với những bước đi chiến lược của Chính phủ, Bộ Công Thương, cùng sự đồng hành của các cơ quan truyền thông như Báo Công Thương, tôi đặt niềm tin rằng con đường ấy sẽ ngày càng rộng mở, đưa Việt Nam vững vàng bước tới tương lai” - đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh. |
Thanh Thảo Đồ họa: Hồng Thịnh |