Liên quan tới vụ việc Đài Loan điều tra chống bán phá giá đối với gạch ốp lát có xuất xứ từ Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, theo thông tin từ Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, ngày 29/7/2021, Ủy ban Thương mại quốc tế (ITC) thuộc Cơ quan Quản lý kinh tế Đài Loan (MOEA) đã thông báo gia hạn thời gian điều tra về thiệt hại tới ngày 17/9/2021.
Theo đó, các bên liên quan có ý kiến về thiệt hại có thể gửi văn bản tới ITC thông qua email: [email protected]. Trường hợp các ý kiến cần bảo mật, cần chú thích “Bảo mật” và gửi về địa chỉ của ITC tại lầu 8, số 317 đường Tùng Giang, quận Trung Sơn, thành phố Đài Bắc. ITC sẽ ban hành Báo cáo các thông tin quan trọng về thiệt hại (một dạng tóm tắt các nội dung chính của Kết luận điều tra về thiệt hại) vào ngày 9/8/2021.
Đồng thời, ITC sẽ tổ chức Phiên tham vấn công khai (Public hearing) để các bên liên quan có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình về thiệt hại thực tế của ngành sản xuất trong nước. Phiên tham vấn được tổ chức theo hình thức trực tuyến, từ 14:00 giờ ngày 16/8/2021. Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Trung. Các bên liên quan muốn tham dự và phát biểu cần đăng ký với ITC tại mục các vụ việc điều tra, website: www.moeaitc.gov.tw trước ngày 11/8/2021. Theo đó, ITC sẽ tổ chức họp trù bị vào 14:00 ngày 12/8/2021 để sắp xếp và xác nhận trình tự phát biểu tại phiên tham vấn công khai. Chỉ các bên được xác nhận có ý kiến trong phiên họp trù bị mới được phát biểu ý kiến trong phiên họp chính thức.
Để ứng phó với vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu gạch ốp lát sang thị trường Đài Loan, việc điều tra thiệt hại và tổ chức phiên tham vấn công khai là một cấu phần bắt buộc trong điều tra chống bán phá giá theo quy định của WTO. Đây là cơ hội công khai để đưa ra các bằng chứng, lập luận chứng minh ngành sản xuất nội địa Đài Loan không bị thiệt hại bởi hàng hóa nhập khẩu. Hiệp hội và doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để tự bảo vệ trước các cáo buộc của nguyên đơn và ngành sản xuất nội địa Đài Loan.
Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại lưu ý, các thông tin đưa ra cần dựa trên cơ sở số liệu thực tế, chặt chẽ, thống nhất để hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan đưa ra các kết luận có lợi với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các thông tin, lập luận này sẽ đạt hiệu quả cao nếu có sự hỗ trợ từ các đối tác nhập khẩu và các luật sư/tư vấn có kinh nghiệm. Tuân thủ các hướng dẫn của ITC trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, quy trình đăng ký tham gia phiên tham vấn công khai. Các bên liên quan cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, phiên dịch để đảm bảo hoàn thành phát biểu trong thời gian cho phép; nghiên cứu thêm sổ tay hướng dẫn được đăng tải tại chuyên mục điều tra vụ việc trên website của ITC. Đồng thời, tiếp tục liên lạc phối hợp với các đối tác nhập khẩu tại Đài Loan để theo dõi, cập nhật tình hình vụ việc và có phương án xử lý kịp thời.