Hàng loạt doanh nghiệp điều chỉnh room ngoại nhằm tăng năng lực tài chính và thanh khoản cổ phiếu |
Mới đây, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã CK: DHG) công bố quyết định lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua các vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Hiện, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Dược Hậu Giang là 49% và cổ đông ngoại lớn nhất là Taisho Pharmaceutial Co. Ltd (Nhật Bản), đang nắm giữ 24,44% cổ phần.
Tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên vào giữa tháng 4 năm nay, ông Hoàng Nguyên Học, Chủ tịch HĐQT Dược Hậu Giang kiêm Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) – đơn vị đại diện vốn Nhà nước nắm giữ hơn 43,3% cổ phần, từng cho biết việc nới room khối ngoại được cân nhắc kỹ nhằm vừa tăng tính thanh khoản cổ phiếu, vừa không ảnh hưởng lớn đến chiến lược và kế hoạch kinh doanh trong trung và dài hạn của công ty.
Theo xu hướng chung thì SCIC sẽ xem xét việc thoái vốn, nhưng trong ngắn hạn 2-3 năm thì chưa có kế hoạch. Do đó, việc điều chỉnh này còn nhằm mục đích tạo sự công bằng cho cổ đông trong và ngoài nước trong trường hợp đơn vị này thoái vốn.
Tương tự, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (mã CK: DMC) cũng vừa nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100%. Để được nới room, cả Dược Hậu Giang và Domesco phải điều chỉnh ngành nghề kinh doanh theo hướng bán buôn thuốc và các sản phẩm do chính công ty sản xuất, vì theo quy định thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhập khẩu dược phẩm về bán lại.
Ngay khi vừa được chấp thuận nới room, CFR International thuộc Tập đoàn Abbott đã nhanh chóng nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên trên 51%. Với tư cách cổ đông chiến lược, Abbott đàm phán với SCIC nhằm đạt thoả thuận nhượng quyền một số sản phẩm của tập đoàn cho Domesco. Dự kiến trong năm nay, sẽ có một số sản phẩm hoàn tất thủ tục nhượng quyền và chính thức tung ra thị trường nội địa. Bên cạnh đó, tập đoàn này cử thêm chuyên gia đến làm việc tại đây để hỗ trợ về sản xuất, tài chính, quản trị nhân lực…
Ngoài hai doanh nghiệp đầu ngành dược phẩm thì trong nửa đầu năm 2017, nhiều công ty thực phẩm, xây dựng… cũng trình phương án tăng tỷ tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Điển hình như trường hợp Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã CK: KDC) vừa thông qua đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 49% lên 100%. Ban lãnh đạo công ty cho rằng, việc điều chỉnh tỷ lệ cho nhà đầu tư nước ngoài đem lại nhiều tiềm năng phát triển cũng như gia tăng giá trị cho cổ đông hiện tại. Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài còn giúp doanh nghiệp củng cố và nâng cao vị thế cạnh tranh tại thị trường nội địa, đồng thời sớm đạt được mục tiêu trở thành một trong những tập đoàn kinh doanh thực phẩm hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
“Công ty không quan trọng cán cân tỷ lệ sở hữu giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, miễn việc hợp tác có lợi nhất cho các bên, mà trước mắt là cùng công ty mở rộng sản xuất, theo đuổi các thương vụ mua bán và sáp nhập”, ông Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc Công ty cho biết.
Gần đây nhất, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CK: CTD) cũng trình đại hội đồng cổ đông việc điều chỉnh nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty từ mức 49% lên 60% nhằm tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, và đã được chấp thuận tại đại hội cổ đông vừa diễn ra. Để thực hiện điều này, “đại gia thầu xây dựng” phải huỷ bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện như môi giới bất động sản, dịch vụ khách sạn và du lịch lữ hành… hoặc chuyển sang kinh doanh tại công ty con, công ty liên kết.
Theo nhận định của bà Bùi Thị Thao Ly - Phó phòng phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng thì việc cho phép tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được nâng lên mức 100% trong những ngành nghề kinh doanh không có điều kiện và Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối có hiệu lực từ tháng 9/2015, nhưng đến nay mới có 14 doanh nghiệp niêm yết hoàn tất việc mở tối đa room ngoại. Dù doanh nghiệp được trao quyền tự quyết, nhưng quá trình thực hiện vẫn khá chậm chạp vì những rào cản về mặt pháp lý và lo ngại mất quyền kiểm soát.
“Giai đoạn gần đây là thời điểm bùng nổ nới room ngoại khi ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu ngành thực hiện nhằm gia tăng năng lực tài chính, năng lực quản trị, công nghệ và lợi thế cạnh tranh… Trong số đó, có những doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề kinh doanh bị hạn chế nhưng từng bước được tháo gỡ, tạo ra tiền lệ và làn sóng nới room ngoại trong thời gian tới”, bà Ly nhận định.
Bà Ly cho rằng, thông tin nới room ngoại của các công ty niêm yết luôn được nhà đầu tư săn đón và thường tác động rất tích cực đến thanh khoản cũng như giá cổ phiếu. Quá trình gỡ bỏ giới hạn đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài càng được đẩy nhanh thì cơ hội để cổ phiếu Việt Nam lọt vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI càng được mở rộng.