Nỗi niềm gia đình đại gia Cường "Đô la"
Sự kiện đáng tiếc xảy ra ở Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (viết tắt là Quốc Cường Gia Lai) không chỉ mang lại nỗi đau cho gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan, mà còn tác động xấu tới hàng nghìn nhà đầu tư đang cầm giữ cổ phiếu QCG.
Giả sử, nếu cổ đông "chót mua" cổ phiếu QCG ở vùng giá cao nhất từ đầu năm là 18.000 đồng/cổ phiếu thiết lập hồi tháng 5, thì tới nay, chưa đầy ba tháng họ đã bị "thổi bay" 2/3 giá trị tài sản. Những tưởng, tình trạng "bán tháo" cổ phiếu QCG đã dừng lại với "la liệt" các phiên "nằm sàn" trong tháng 7, song, bước sang tháng 8, dường như "bóng ma" này vẫn chưa khỏi "đeo bám" nhà đầu tư.
Cổ phiếu QCG tạo đồ thị "cây thông" (Ảnh: TradingView) |
Phiên giao dịch hôm nay (5/8), mã QCG tiếp tục giảm kịch biên độ, từ 6.620 đồng xuống còn 6.160 đồng/cổ phiếu, lấy đi hy vọng ít ỏi của hàng nghìn cổ đông đang mong chờ vào đầu tuần giao dịch sôi động, hứng khởi. Điều đó cũng cho thấy, việc ông Nguyễn Quốc Cường (tên thường gọi là Cường "Đô la") - con trai của bà Nguyễn Thị Như Loan, được bầu lên làm Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai khi thân mẫu gặp nạn, là chưa đủ để củng cố niềm tin của giới đầu tư.
Trong mắt họ, doanh nghiệp này thiếu vắng những sự kỳ vọng, cũng như cơ hội trở lại "đường đua", đặc biệt khi quý II vừa qua là quý Quốc Cường Gia Lai chịu lỗ nặng nhất trong lịch sử hoạt động.
Quốc Cường Gia Lai đã vậy, câu hỏi đặt ra là những doanh nghiệp khác nằm trong hệ sinh thái của gia đình giàu có, nổi tiếng về độ "chịu chơi" bậc nhất cả nước, liệu có bị ảnh hưởng bởi "vận xui" tương tự?
Chẳng hạn như Công ty Cổ phần C-Holdings, doanh nghiệp được xem là cơ ngơi riêng rẽ của đại gia Cường "Đô la", nơi kỳ vọng sẽ kiến tạo nên những thành công vang dội cho vị doanh nhân có thú "chơi xe" số một Việt Nam này.
C-Sky View là dự án duy nhất mà Công ty Cổ phần C-Holdings của ông Nguyễn Quốc Cường đã hoàn thiện, bàn giao xong cho khách hàng (Ảnh minh họa) |
Được biết, ông Nguyễn Quốc Cường bắt đầu chăm chút hơn cho C-Holdings từ năm 2018, khi ông có thời gian nhờ việc rời khỏi ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai. C-Holdings có nhiệm vụ tập trung phát triển dự án bất động sản nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Dương, mọi hoạt động đều tách biệt và có con đường, chiến lược phát triển riêng biệt, không có mối liên hệ hay ràng buộc gì với Quốc Cường Gia Lai.
Sau 6 năm, C-Holdings thành công với việc đem tới cho thị trường các sản phẩm chất lượng tại dự án C-Sky View (đã bàn giao, khách nhận được sổ hồng), dự án The Maison (tên cũ là C-River View, đang hoàn thiện, chuẩn bị bàn giao) và trong tương lai là dự án The Felix (vừa được cấp phép xây dựng từ tháng 8). Ông Nguyễn Quốc Cường tự hào nói, C-Holdings đã tạo được uy tín, thiện cảm đối với khách hàng, vậy nên những bước phát triển tiếp theo khá thuận lợi, không có nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Cường "Đô la" cũng chia sẻ, C-Holdings khác với Quốc Cường Gia Lai ở chỗ, bản thân ông đã nhiều năm không điều hành Quốc Cường Gia Lai, không phải thành viên cốt cán nên bây giờ ông cần có thời gian nghiên cứu, nắm lại từ đầu và xây dựng, tổ chức hoạch định chiến lược trong thời kỳ tiếp theo để vực dậy doanh nghiệp.
Vì vậy, ông Cường "Đô la" nhấn mạnh, hai doanh nghiệp kể trên hoạt động tách biệt và việc điều hành của ông tại Quốc Cường Gia Lai sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của C-Holdings trong thời gian tới.
Trở ngại của C-Holdings
Tuy nhiên, trên thực tế, C-Holdings của ông Cường "Đô la" cũng có những rắc rối khó giãi bày, phần nào đối lập với sự lạc quan từ vị đại gia đam mê siêu xe. Tình cảnh thua lỗ dẫn tới cổ đông mất vốn là một ví dụ điển hình.
Tài liệu của Báo Công Thương cho thấy, từ khi thành lập tới năm 2021, C-Holdings mới thu về những đồng doanh số đầu tiên, dù chỉ hạn chế khoảng 2,5 tỷ đồng, so với số vốn điều lệ 850 tỷ đồng thật chẳng bõ bèn gì. Song, đối với một doanh nghiệp dự án như C-Holdings, việc "đóng băng" doanh thu là dễ hiểu khi dự án chưa hoàn được hoàn thiện, bàn giao cho khách hàng.
Đến năm 2022, nhờ hạch toán doanh thu bán nhà tại dự án C-Sky View, C-Holdings đem về 1.950 tỷ đồng, tạo dòng tiền lớn giúp nuôi sống và phục hồi phát triển cho chủ đầu tư. Nhưng cũng từ đó, nảy sinh một vấn đề nan giải, đó là C-Holdings không lời lãi được bao nhiêu tại dự án này, lợi nhuận sau thuế công bố chỉ vỏn vẹn 11 tỷ đồng, trong khi đang báo lỗ lũy kế gần 60 tỷ đồng.
Năm 2023, phần doanh thu "nằm" từ dự án C-Sky View cạn kiệt, doanh thu của C-Holdings giảm mạnh xuống 475 tỷ đồng, tính tổng hai năm, dự án trọng điểm ra hàng mang lại khoảng 2.430 tỷ đồng cho chủ đầu tư. Vậy nhưng, cơ ngơi riêng rẽ của đại gia Cường "Đô la" bất ngờ cho biết không kiếm nổi 1 đồng nào từ khoản doanh số trăm tỷ đó, mà ngược lại phải trích thêm ra 3,3 tỷ đồng để bù cho những món chi phí đắt đỏ.
Như vậy, thời điểm chốt số liệu năm ngoái, C-Holdings đang cõng số lỗ lũy kế 53 tỷ đồng. Không rõ ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ cân đối thu - chi thế nào, nhưng với con số mà họ nộp lên cơ quan chức năng, khả năng việc hạch toán doanh thu từ The Maison cũng khó tạo lập sự đột khởi, mà thậm chí có thể dẫn tới thua lỗ - đã từng có tiền lệ là dự án C-Sky View.
Giữa bối cảnh cổ đông mất vốn góp vào doanh nghiệp, món nợ 1.210 tỷ đồng phải trả cho khách hàng, đối tác, nhà băng cũng là thách thức đối với C-Holdings. Con số nợ đang cao gấp rưỡi vốn tự có, và dự báo sẽ tiếp tục tăng lên để phục vụ chiến lược đầu tư, phát triển hai dự án quan trọng là The Maison và The Felix, như đã thông tin phía trên.
Mong rằng những "chủ nợ" lớn như VPBank, sẽ đồng hành, ủng hộ, cấp tín dụng tích cực cho C-Holdings nói riêng hay doanh nhân Nguyễn Quốc Cường nói chung trong thời gian tới, giống cách họ đã làm tại dự án The Maison và C-Sky View - thông qua hình thức nhận thế chấp dự án.
Công ty Cổ phần C-Holdings thành lập ngày 25/9/2018, tiền thân là Công ty Cổ phần Chánh Nghĩa Quốc Cường. Ban đầu, bà Nguyễn Thị Như Loan là người đại diện pháp luật, đồng thời vị trí giữ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc. Vốn sáng lập doanh nghiệp lên tới 1.169 tỷ đồng, trong đó, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai là công ty mẹ, giữ tới 74,68% cổ phần, theo sau là hai cá nhân Vương Kim Soa và Lý Kim Hoa. Đầu năm 2019, ông Nguyễn Quốc Cường mới chính thức tiếp quản C-Holdings và làm người đại diện pháp lý. Song, đây cũng là lúc vốn điều lệ của họ đăng ký giảm từ 1.169 tỷ đồng xuống 428 tỷ đồng, trước khi tăng ngược lên 708 tỷ đồng vào tháng 3/2019, với 576 tỷ đồng góp bằng giá trị quyền sử dụng đất, tương ứng 81,4%. Sang năm 2020, Quốc Cường Gia Lai mới chuyển nhượng toàn bộ vốn C-Holdings cho đối tác. Danh sách cổ đông không công bố, chỉ biết, tháng 8 cùng năm, C-Holdings được nâng vốn lên 850 tỷ đồng và giữ đến thời điểm hiện tại. Một văn bản tiết lộ, 3 thành viên trong Hội đồng quản trị của C-Holdings bao gồm Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường, bà Đàm Thu Trang (vợ ông Cường) và ông Hứa Hà Phương. Ông Cường và ông Phương đều có chung niềm đam mê chơi siêu xe, là hai cái tên lừng lẫy khu vực phía Nam. |