Longform
02/07/2024 17:36
Đại đức Thích Trúc Thái Minh nói gì về dư luận xung quanh các thuyết pháp?

02/07/2024 17:36

Báo Công Thương phỏng vấn Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng về những ồn ào trên mạng xã hội gần đây liên quan đến các bài thuyết giảng.
Khóa tu mùa hè chùa Ba Vàng 2024: Đại đức Thích Trúc Thái Minh báo cáo gì?
Đại đức Thích Trúc Thái Minh nói gì về dư luận xung quanh các thuyết pháp?

- Đại đức là một trong số ít giảng sư có nhiều pháp thoại được đông đảo thính chúng mến mộ, tin tưởng. Tuy nhiên, cũng có một số bài giảng của Đại đức bị dư luận phản ứng cho là không phù hợp, thiếu căn cứ. Đại đức có thể cho biết nội dung các bài giảng pháp thường dựa trên cơ sở nào không ạ?

Đại đức Thích Trúc Thái Minh: Các thầy giảng pháp đều phải dựa vào kinh điển. Hiện nay có rất nhiều bài Kinh thông dụng được chư tăng, Phật tử sử dụng để tu tập và giảng dạy. Phổ biến có thể kể đến bộ Kinh Nhật tụng, Kinh Địa Tạng, Kinh Dược sư, Kinh Nghiệp báo sai biệt, Kinh Nhân quả thiện ác... Trong các kinh này hầu hết đều nhắc đến việc làm phúc, bố thí, cúng dường, nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, kiếp trước kiếp sau.

Ví dụ như trong Kinh Dược Sư có đoạn: “Nếu có người ốm, muốn thoát bệnh khổ, nên vì người ấy bảy ngày bảy đêm, chịu giữ cho đủ tám phần trai giới, nên tùy lực sắm các thức ăn uống và các đồ dùng cúng Bật Sô Tăng (Tỳ kheo)... thời có thể qua tai nạn, nguy ách, tránh bị chết uổng, quỷ ác hãm hại...”

Trong Kinh Địa tạng Bồ Tát Bổn Nguyện có viết: “Thánh nữ biết rằng người mẹ khi còn sống không tin nhân quả, chắc phải theo nghiệp quấy mà sinh vào đường ác. Thánh nữ bèn bán nhà, đất, cùng nhiều hương hoa và những đồ cúng rồi đem cúng dường tại các chùa tháp thờ đức Phật... Thánh nữ nói chuyện với Vô Độc Quỷ Vương khi vào địa ngục tìm mẹ. Thánh nữ nói, khi còn sống thân mẫu của tôi mê tín tà đạo, khinh chê ngôi Tam Bảo hoặc có lúc tạm thời tin chánh pháp, xong rồi chẳng kính. Dầu khuất không bao lâu mà chưa biết đọa lạc vào đâu. Vô Độc trả lời, xin Thánh nữ hãy trở về, tội nữ Duyệt Đế Lợi (mẹ của Thánh nữ) được sanh lên cõi trời đã ba ngày rồi. Nghe nói nhờ con gái của người có lòng hiếu thuận, vì mẹ mà sắm sửa lễ vật, tu tạo phước lành, cúng dường chùa tháp, thờ Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai...”

Cũng trong quyển kinh này có đoạn nói về luân hồi, người mẹ chết tái sinh làm con trai của đứa tớ gái trong nhà. Đứa bé ấy chưa đầy ba ngày đã biết nói và khóc nói với Quang Mục: “Nghiệp báo trong vòng sinh tử phải tự lãnh lấy quả báo. Tôi là mẹ của ngươi, lâu nay ở chốn tối tăm. Từ khi vĩnh biệt người tôi bị đọa vào đại địa ngục. Nhờ phước lực của người nay tôi được thọ sanh làm kẻ hạ tiện, lại thêm số mạng ngắn ngủi, năm mười ba tuổi, tôi đây sẽ bị đoạ vào địa ngục lần nữa”.

Không chỉ viết về luân hồi, trong kinh này Đức Phật cũng nói nhiều về nhân quả. Kinh nói: “Nếu gặp người sát hại sinh vật, thời Ngài dạy rõ sẽ bị chết yểu; nói lời thô ác quả báo quyến thuộc kình chống nhau; kẻ nóng giận quả báo thân hình xấu xí, tàn tật; kẻ huỷ báng Tam Bảo quả báo đui, điếc, câm, ngọng; kẻ dùng nước sôi hay lửa, chặt chém, giết hại sinh vật quả báo phải luân hồi thường mạng lẫn nhau; nếu gặp kẻ đâm chọc hay gây gổ, thời Ngài dạy rõ quả báo không lưỡi hay trăm lưỡi...”

Kinh Nhân quả thiện ác cũng là bộ kinh khá phổ biến và được được đăng tải nhiều trên các thư viện online, trên trang Phatgiao.org.vn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng tải cũng có đoạn: “Người đời nay bị khoèo chân là do đời trước không đứng dậy khi thấy bậc sư trưởng; Người đời nay chân tay vặn vẹo là do đời trước hay trói chân tay chúng sanh; Người đời nay các căn tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý không được đầy đủ là do đời trước phá giới; Người đời nay ám độn, là do đời trước làm súc sanh...”

Kinh thì ghi như thế nhưng khi đọc ra, diễn giải ra cho mọi người thì không phải ai cũng tin hiểu và muốn nghe. Thế giới quan và nhân sinh quan Phật giáo rất đặc biệt.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh nói gì về dư luận xung quanh các thuyết pháp?

- Trong Kinh thì lưu truyền như vậy, tuy nhiên tại sao khi các nhà tu hành thuyết giảng lại vấp phải những ý kiến trái chiều?

Đại đức Thích Trúc Thái Minh: Phật giáo có thể xem là một tôn giáo, mà cũng có thể không là tôn giáo. Phật giáo là tôn giáo vì có đức tin, có tính thiêng, có giáo chủ, giáo lý giáo luật, lễ nghi, tổ chức... nhưng Phật giáo cũng không phải là tôn giáo, vì Phật giáo không có đấng tạo hoá, toàn năng, thần quyền. Phật giáo là nói đến nhân quả, nhân duyên tương tác, là lối sống để được hạnh phúc an lạc đời này và đời sau. Phật giáo cũng có nói đến nhiều cõi giới, có chư thiên quỷ thần, thế giới vô hình và nhiều hạng loại chúng sinh khác nhau. Tất cả đều có tương tác với nhau, nhưng tất cả cũng đều bình đẳng trong nhân duyên, nhân quả và nghiệp báo.

Thế giới quan và nhân sinh quan Phật giáo rất đặc biệt. Nếu người không nghiên cứu thì rất khó có thể thông cảm. Phật giáo nói có nghiệp mà không phải là số mệnh. Có nhân quả mà không phải là cố định, không thể thay đổi. Có kiếp trước kiếp sau nhưng rất chú trọng ở hiện tại.

Phật giáo có tính chất dừng ác và khuyến thiện. Khi các giảng sư giảng các ngữ nghĩa trong kinh cũng có thể liên hệ gắn với thực tiễn để giảng giải, răn đe mọi người dừng việc ác và khuyến khích mọi người làm điều thiện. Nếu gặp chuyện bất như ý thì phải biết quán sát lại bản thân để tu sửa, phải có niềm tin nếu nghiêm túc tu sửa thì sẽ gặp quả tốt. Xét cho kỹ động cơ của giảng sư vì muốn mọi người mau chóng hướng thiện, mau chóng làm thiện thì đôi khi nói gay gắt một chút cũng không phải là tâm ác. Bên cạnh đó, Phật giáo là tôn giáo “duy tâm” với luận thuyết “nhất thiết duy tâm tạo”. Nói đến Phật giáo là nói đến cái tâm. Mà tâm thì tức là vô hình nhưng linh thiêng. Nên mới gọi là tâm linh. Nhiều khi chính chúng ta còn chưa hiểu được cái tâm của mình, phải học và tu tập rất nhiều mới hy vọng hiểu được nó.

Thế nên việc nói đến thế giới tâm linh thường hay xảy ra những sự tranh luận. Người tin, người không tin. Người thấy thì họ tin, người không thấy thì không tin. Mà không phải ai cũng thấy. Nhưng dù tin hay không tin thì vẫn có rất nhiều hiện tượng tâm linh xảy ra hàng ngày trước mắt chúng ta. Có rất nhiều điều khoa học hiện đại cũng chưa thể giải thích được. Có những điều chúng ta thấy như vô lý, không có căn cứ, nhưng tại sao nó vẫn xảy ra.

Vậy nên “dư luận” nhiều khi do không đứng trên cùng một hệ quy chiếu, hệ luận và thế giới quan của Phật giáo nên mới có những quan điểm trái chiều.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh nói gì về dư luận xung quanh các thuyết pháp?

- Trên mạng xã hội hiện có hàng nghìn bài pháp thoại được phát hành rộng rãi dưới nhiều hình thức, khiến nhiều Phật tử và người mến mộ đạo Phật dù “muốn nghe pháp nhưng không biết nên nghe ai...”. Đại đức có thể chia sẻ một số tiêu chí mà Phật tử nên dựa vào để chọn lựa những bài giảng phù hợp và mang lại lợi lạc cho họ?

Đại đức Thích Trúc Thái Minh: Phật giáo là một tôn giáo đề cao tính trí tuệ, thế nên trong “Bát chánh đạo” thì chánh kiến và chánh tư duy đứng đầu. Trong bài kinh Kalama Đức Phật dạy: “Này người Kalama, các con chớ vội tin điều gì chỉ vì được nghe điều đó nhiều lần; chớ vội tin chỉ vì đó là truyền thống; chớ vội tin vì đó là lời đồn đại; chớ vội tin bởi vì nó nghe có vẻ hợp lý, hợp ý mình; chớ vội tin bởi vì điều đó phù hợp với một hệ thống triết lý, tư tưởng; chớ vội tin bởi vì lý luận logic và suy diễn; chớ vội tin bởi vì điều đó phù hợp với quan điểm của mình...

Nhưng này, người Kalama, khi các con tự mình biết rằng, những hành động này là bất thiện, là đáng chê trách, bị người trí chỉ trích, những hành động này khi thực hiện sẽ dẫn đến gây hại và đau khổ, thì này người Kalama, các con hãy từ bỏ những hành động ấy”.

Thế nên người nghe pháp, học Phật nên chăm chỉ tìm đọc kinh điển, có tâm phân tích đúng sai, tà chính và phải biết trạch pháp để theo cái đúng, cái chính. Có một số dấu ấn để nhận định một bài pháp là chân chính, đúng với tinh thần Phật dạy như: vô thường, khổ, không, vô ngã và ba lý: nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh nói gì về dư luận xung quanh các thuyết pháp?

- Chùa Ba Vàng là ngôi chùa to, đẹp, với nhiều tín đồ Phật tử. Tuy nhiên, trên mạng không ít thông tin cho rằng đây là ngôi chùa u mê Phật tử để làm thương mại. Đại đức có phản hồi gì về những thông tin này? Đại đức có thể nói rõ hơn về những hoạt động của chùa hiện nay để làm sáng tỏ những hiểu lầm này không?

Đại đức Thích Trúc Thái Minh: Ngay từ những ngày đầu về nhận chùa, nhà chùa đã chủ trương không có các hoạt động kinh doanh tại chùa, không cho thuê, mở hàng quán buôn bán, kinh doanh ăn uống, không bán vé tham quan thắng cảnh, không thu vé trông giữ xe... với mục đích để giữ cho chùa cảnh được trang nghiêm, ai về chùa cũng đều thấy thoải mái, giữ được tâm thanh tịnh. Nhà chùa có lộc Phật, kinh sách, nước uống, cơm chay... đều phát biếu và mời mọi người dùng miễn phí. Các khóa tu học của Phật tử và thanh thiếu niên tại chùa đều hoàn toàn miễn phí. Tất cả nguồn tiền công đức đều được dùng vào việc trùng tu xây dựng chùa cảnh, nuôi tăng chúng ăn học, chi phí cho các khoá tu tập của tăng ni Phật tử, thanh thiếu niên và đóng góp cho công tác từ thiện an sinh xã hội.

Xét về mặt tổ chức thì các ngôi chùa trên cả nước hiện nay là cơ sở tôn giáo, hoặc tổ chức tôn giáo cấp cơ sở, có tư cách pháp nhân. Chùa được phép làm những việc pháp luật không cấm và không vi phạm đạo đức xã hội. Một số chùa có quầy bán hàng lưu niệm, đồ thờ tự để có thêm thu nhập trang trải cho các hoạt động và sinh hoạt của đại chúng trong chùa, của các tổ chức tôn giáo từ xưa đã có. Nhiều chùa còn trồng rau, làm nhang, làm tương chao, may pháp phục, làm pháp khí, tạc tượng để bán phụ thêm chi phí cho tăng ni đi học, khám chữa bệnh và rất nhiều chi phí khác. Đó đều là những việc làm chính đáng, không vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội.

Đối với cá nhân một vị Tỳ kheo, Đức Phật dạy không kinh doanh buôn bán. Chư tăng không được chấp thủ vào tài sản. Điều đó hoàn toàn đúng với cá nhân một vị Tỳ kheo. Nhưng đây không phải là vấn đề của cá nhân một vị Tỳ kheo mà là trách nhiệm với tổ chức, đoàn thể tăng. Bản thân Đức Phật và tăng đoàn khi xưa cũng từng nhận sự cúng dường rất nhiều tài sản, bất động sản của thí chủ. Những tịnh xá vô cùng to lớn đẹp đẽ được vua chúa, các đại thí chủ dâng cúng cho Ngài và chư tăng.

Việc phát triển tài sản của tổ chức tôn giáo cũng không trái với lời Đức Phật dạy, phù hợp với pháp luật và tất cả các tôn giáo trên thế giới đều làm.

Thứ nữa Phật Pháp là bất định pháp, Đức Phật cho phép chư tăng tuỳ thời, tuỳ xứ mà có thể linh hoạt với giới luật miễn sao cho phù hợp mà vẫn giữ gìn được phạm hạnh của tăng đoàn.

Thế nên việc một số chùa chiền có những hoạt động để có thêm thu nhập phục vụ cho đại chúng và duy trì các sinh hoạt cần thiết của chùa, dùng vào các hoạt động từ thiện nhân đạo xã hội là việc làm bình thường trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Vấn đề là cá nhân mỗi vị tăng ni cần phải làm tròn bổn phận, giữ gìn giới luật và kiên định lý tưởng giải thoát của mình đừng để bị mai một vì bất cứ lý do nào mới là điều đáng quan tâm.

- Trân trọng cảm ơn Đại đức!

Đại đức Thích Trúc Thái Minh nói gì về dư luận xung quanh các thuyết pháp?

Hòa Bình - Jangkiu

Có thể bạn quan tâm

Bài 4: Tư cách của tín đồ phải đứng sau nghĩa vụ công dân

Bài 4: Tư cách của tín đồ phải đứng sau nghĩa vụ công dân

Lợi dụng sự phong phú, bao dung của giới luật Phật giáo để thủ lợi...thì cần phải lên án và có sự điều chỉnh của pháp luật ở tư cách công dân của người tu hành.
Hòa thượng Thích Huệ Trí viên tịch

Hòa thượng Thích Huệ Trí viên tịch

Theo thông tin từ Văn phòng II Trung ương GHPGVN, môn đồ pháp quyến, Hòa thượng Thích Huệ Trí, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, vừa viên tịch sáng nay.
Chấn chỉnh những sai lệch để Phật giáo tốt đời đẹp đạo: Bài 1: Khi thuyết giảng xuyên tạc phá hoại đức tin

Chấn chỉnh những sai lệch để Phật giáo tốt đời đẹp đạo: Bài 1: Khi thuyết giảng xuyên tạc phá hoại đức tin

Nhiều chức sắc tôn giáo và cả những người mạo danh nhà tu hành đã có các việc làm trái đời ngược đạo, gây tổn hại tới thanh danh Phật giáo…