Tham nhũng vặt khắp nơi Không để ‘tham nhũng vặt’ làm phiền lòng người dân Chính phủ đưa ra giải pháp ngăn chặn "tham nhũng vặt" |
“Tham nhũng vặt” diễn ra đa dạng và ngày càng tinh vi
Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều ngày 8/11 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, đại biểu Nguyễn Anh Trí - đoàn Hà Nội, tập trung phân tích vấn đề “tham nhũng vặt”.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn Hà Nội phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều 8/11 |
Theo đại biểu đoàn Hà Nội “tham nhũng vặt” diễn ra đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc hay giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách bóp chặt.
Với cách làm đó, người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp biếu xén... thậm chí nhiều vụ việc thì còn đòi hỏi phí bôi trơn. Điều đáng lo ngại là điều này ngày càng trở nên phổ biến, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, tình trạng “tham nhũng vặt” như “vòi bạch tuộc” đeo đẳng, bám chặt đã gây bức xúc lớn cho nhân dân, doanh nghiệp, làm chùn bước các nhà đầu tư, làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, làm xói mòn lòng tin của nhân dân.
"Trước thực trạng trên, mong muốn của cử tri, của nhân dân là Đảng, Nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống “tham nhũng vặt”, chống tiêu cực trong xã hội" - đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đánh giá cao những nỗ lực chống tham nhũng, tiêu cực, chống tội phạm, góp phần ổn định xã hội của các cơ quan cho thấy sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, nghiêm minh của các cơ quan pháp luật từ khâu điều tra, xét xử, thi hành án trong các vụ tham nhũng lớn.
Tuy nhiên, số liệu về xử lý cán bộ công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp còn khiêm tốn cho việc thực tế đang diễn ra.
"Phòng, chống tham nhũng chỉ có thể làm được tốt hơn, hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là của nhân dân và của quần chúng. Do đo, cần phổ biến chính sách pháp luật nhiều hơn, rộng hơn; phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan, nhất là cơ quan dân cử các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội" - đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Nhiều vụ án lớn, phức tạp về kinh tế, tham nhũng được phát hiện
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Xuân cho rằng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhiều vụ án lớn, phức tạp về kinh tế, tham nhũng được phát hiện, giải quyết kịp thời, đáp ứng mong mỏi của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật vẫn còn một số loại tội phạm gia tăng, diễn biến phức tạp, có tác động ảnh hưởng lớn đến xã hội như: Tội phạm trong lĩnh vực thông tin viễn thông, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, tình trạng phát tán tin nhắn rác để quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả, giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật đe dọa yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt…
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm nêu trên, tăng cường quản lý, kiểm soát đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng và có các giải pháp kịp thời để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Đồng thời, tiếp tục có các giải pháp quyết liệt, toàn diện hơn nữa, nhanh chóng xử lý nghiêm và dứt điểm các vụ việc đấu tranh hạn chế đến mức thấp nhất đối với tội phạm cưỡng dâm, dâm ô trẻ em. Đồng thời đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em cả về nội dung và hình thức, bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng miền.