Những nghệ sĩ nổi tiếng nào đã quảng cáo, tiếp thị cho nước hoa Charme Perfume? |
Thảo luận ở phiên họp tổ Quốc hội về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) ngày 2/11, đại biểu Đỗ Huy Khánh - đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai quan tâm đến Điều 15 về “Quyền lợi của người tiêu dùng”. Theo đại biểu, chúng ta cần phải bảo vệ người tiêu dùng về chất lượng và giá cả. Nhiều khi chúng ta phải mua phải giá cả “trên trời”, khi nhà cung cấp đưa ra một sản phẩm nhưng không biết giá cả thực tế là bao nhiêu nên người tiêu dùng rất dễ bị lừa.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh - đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội |
Đại biểu Đỗ Huy Khánh cũng đóng góp ý kiến tại Điều 18 về “xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Ông Khánh cho rằng, ý này rất chung chung và nên chăng chúng ta có cần làm rõ hay không? Bởi thực tế khi người tiêu dùng mua sản phẩm kém chất lượng thì cần có chế tài mạnh.
“Vừa qua, có rất nhiều trường hợp liên quan đến thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh chữa được bách bệnh được các nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo, bán hàng trên mạng rùm beng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng điều tra thì các sản phẩm này không có chức năng như vậy. Nghệ sĩ bị ảnh hưởng uy tín và chỉ xin lỗi là xong, coi như không có chuyện gì xảy ra” - ông nhấn mạnh.
Từ đó, đại biểu đoàn Đồng Nai đặt ra băn khoăn, việc xử lý những nghệ sĩ đó như thế nào để không tái diễn nữa. Đồng thời cũng cần xem xét lại các công ty, doanh nghiệp quảng cáo đó.
“Điều 18 về xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng có 3 tiêu chí nhưng rất chung chung nên cần phải bổ sung thế nào, ra sao để làm rõ hơn” - đại biểu Khánh kiến nghị.
Đồng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - đại biểu Bùi Hoài Sơn - đoàn Hà Nội cho rằng, việc sửa đổi luật lần này cần khắc phục được những bất cập mà quy định cũ chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Đơn cử, tình trạng người tiêu dùng mua phải hàng lỗi hay có vấn đề chất lượng, song lại ngại và không khiếu nại. Thực tế, nhận thức về việc đi đòi quyền lợi của người tiêu dùng còn hạn chế, nên người tiêu dùng đã không thực hiện những quyền mà pháp luật cho phép.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, có thể do cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quá phức tạp, không tạo thuận lợi trong việc đi đòi quyền lợi, dẫn tới người tiêu dùng có tâm lý là bỏ công sức bỏ ra để đi đòi quyền lợi, khiếu nại không tương xứng với những quyền lợi mang lại. Cộng thêm chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe nên người tiêu dùng cảm thấy không thỏa mãn khi đi khiếu nại.
"Chính nhận thức, cơ chế bảo vệ, xử lý làm gương chưa làm tốt, nên chỉ làm hại cho người tiêu dùng. Như trong lĩnh vực văn hóa, tôi thấy văn nghệ sĩ yếu đuối lắm, ai cũng bị bệnh cả, đi quảng cáo bán thuốc suốt ngày, đau lưng, đau gối, đau đầu, cả yếu sinh lý nữa. Thực ra đó là câu chuyện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì họ là nhân vật nổi tiếng, ảnh hưởng, chi phối nhận thức hành vi của người tiêu dùng, nên cần phải chấn chỉnh" - đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - đoàn Hà Nội cũng cho rằng, khái niệm người tiêu dùng trong luật chưa rõ, chưa phù hợp trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Hay có những hàng hóa khó đánh giá chất lượng như thuốc, hàng tiêu dùng bị ngâm tẩm hóa chất, cần phải có chuyên môn và máy móc hiện đại mới phát hiện được, song quy định lại đang đẩy trách nhiệm về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sang chính người tiêu dùng.
Đơn cử như thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự luật đưa ra hướng xử lý trên cơ sở thực hiện theo Bộ luật Dân sự, yêu cầu đương sự (người tiêu dùng) phải có chứng cứ đầy đủ để chứng minh.
Luật được xây dựng là để bảo vệ người tiêu dùng, nhưng nếu thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự thì sẽ không thể đảm bảo được nhiệm vụ trên. "Quy định pháp luật phải lường trước và giải quyết khó khăn vướng mắc để làm thế nào bảo vệ tốt nhất người tiêu dùng" - ông Đỗ Đức Hồng Hà bày tỏ.