Các nội dung chất vấn trọng tâm, trọng điểm
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội về phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp đánh giá, các nội dung chất vấn đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ lần này rất trọng tâm, trọng điểm, được đại đa số đại biểu Quốc hội đồng tình. Người dân, nhà khoa học, doanh nghiệp cũng muốn làm sao để khoa học và công nghệ xứng đáng là quốc sách hàng đầu, song song với giáo dục và đào tạo.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp chia sẻ bên hành lang Quốc hội |
Theo đại biểu, lĩnh vực khoa học và công nghệ thời gian qua có sự phát triển và đầu tư đúng mức. Tuy nhiên cũng còn những mặt hạn chế nhất định.
Cụ thể, đầu tư cho khoa học và công nghệ hiện nay dường như ưu tiên chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, viễn thông, y tế, trong khi các lĩnh vực khác cũng có đầu tư nhưng chưa nhiều. Bên cạnh đó, các sản phẩm khoa học công nghệ mang giá trị kinh tế cao do Việt Nam tạo ra còn hạn chế.
Chỉ ra nguyên nhân, đại biểu Hòa cho rằng số lượng các nhà khoa học hàng đầu, ngang tầm quốc tế của Việt Nam hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay; đầu tư cho lĩnh vực khoa học và công nghệ, cả từ ngân sách và xã hội hóa, còn chưa thỏa đáng.
Các doanh nghiệp không quá mặn mà với việc "rót" tiền khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng suất lao động, chủ yếu vẫn là những doanh nghiệp lớn có tiềm lực, còn những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì hầu như không có.
Đại biểu cũng chỉ rõ, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo hiện nay đang đặt ra một số bài toán lớn đối với Việt Nam, trong đó có vấn đề về nguồn nhân lực. Đại biểu nhấn mạnh cần phải tăng cường đầu tư ngân sách và thu hút xã hội hóa vào lĩnh vực khoa học và công nghệ, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút các nhà khoa học hàng đầu trong nước cũng như các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ nói chung, trí tuệ nhân tạo nói riêng.
Đồng thời, phải giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ quản lý về tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo, từ đó tạo sự chuyển biến trong phát triển khoa học công nghệ.
Để nắm bắt cơ hội và hạn chế rủi ro do trí tuệ nhân tạo mang lại, đại biểu Hòa cho rằng, cần phải có sự điều chỉnh luật. Cùng với đó, những người tạo ra sản phẩm trí tuệ nhân tạo phải có quyền thương mại hóa và chế độ đãi ngộ hợp lý.
Đại biểu bày tỏ trong lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Huỳnh Thành đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trong nước như là quốc sách hàng đầu mà Đảng và Nhà nước đã xác định.
Kỳ vọng nhiều chính sách khoa học và công nghệ đưa vào cuộc sống
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - đoàn Bình Dương cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã rất cầu thị. Các vấn đề khoa học và công nghệ thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu, có tới hơn 100 người đặt câu hỏi chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Bình Dương chia sẻ bên hành lang Quốc hội |
Theo đại biểu, các đại biểu đặt câu hỏi rất thẳng và rất khó, không chỉ mang tầm chiến lược mà còn đặt vấn đề về cách thực hiện hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học hiện nay đến đâu.
“Phải nói là hiện nay công tác nghiên cứu khoa học của Việt Nam chưa tốt và còn nhiều vấn đề chứ không phải chỉ do một Bộ là khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, khi trả lời, tất cả sức ép đặt lên vai Bộ trưởng, bởi vậy cần có sự thông cảm. Còn tất nhiên, có những vấn đề nóng mà cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm hiện nay như vấn đề về quỹ, vốn đưa ra nhưng dàn trải, manh mún không có chiến lược là điều cần thay đổi" - đại biểu Nguyễn Quang Huân đánh giá.
Đại biểu Lý Anh Thư - đoàn Kiên Giang chia sẻ, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, các đại biểu đặt câu hỏi tổng quát cụ thể từ những vướng mắc của địa phương. Bộ trưởng đã đưa ra những giải pháp. Từ đó, các bộ, ngành thấy trách nhiệm của mình hơn và trên cơ sở đó để các địa phương thực hiện, phát triển tốt hơn trong các lĩnh vực.
"Qua trả lời chất vấn của Bộ trưởng về các chính sách đầu tư cho khoa học và công nghệ, tôi hy vọng trong thời gian tới các lĩnh vực về khoa học và công nghệ sẽ được đưa vào thực tiễn và phát triển hơn nữa để phát triển kinh tế - xã hội" - đại biểu đoàn Kiên Giang bày tỏ.
Đại biểu cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề quản lý chất thải phóng xạ, mong rằng thời gian tới Bộ trưởng phối hợp với các ngành liên quan sẽ quản lý tốt hơn và có giải pháp tốt hơn chất thải phóng xạ.
Cũng theo đại biểu tỉnh Kiên Giang, hiện nay chất phóng xạ được sử dụng trong các cơ sở y tế, trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Cùng với đó, các hoạt động khai thác khoáng sản cũng có sử dụng chất này. Bởi vậy, nếu quản lý không tốt sẽ gây ra bức xạ, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
“Mong rằng thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có giải pháp tốt hơn, phối hợp các ngành chức năng để quản lý về vấn đề này. Các cơ chế chính sách với ngành khoa học và công nghệ cũng cần được bố trí nhiều hơn, đầu tư cho khoa học và công nghệ cao hơn để phát triển kinh tế - xã hội" - đại biểu Lý Anh Thư nhấn mạnh.