Cảnh báo sàn tiền ảo mạo danh thương hiệu tập đoàn lớn |
Chiều ngày 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Quốc hội thảo luận ở tổ chiều ngày 24/10 |
Phát biểu trong phiên thảo luận tổ, đại biểu Trình Lam Sinh - đoàn đại biểu Quốc hội An Giang tán thành sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành, đồng thời nâng cao hiêu lực, hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền trong thời gian tới.
Đại biểu đề nghị bổ sung khoản 10 Điều 3 thêm vào tội phạm đánh bạc và tội phạm ma túy, vì 2 loại tội phạm này có liên quan mật thiết đến loại tội phạm rửa tiền, với số lượng lớn với mức độ nguy hiểm cao.
Hiện nay, ngoài giao dịch bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ, đề nghị bổ sung thêm giao dịch tiền ảo vào luật. Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa chấp nhận tiền ảo, nhưng trong thực tế có giao dịch và rất nhiều người tham gia vào các sàn tiền ảo. Đây là nơi có thể trở thành điểm rửa tiền nhiều nhất để tài trợ cho các loại tội phạm, nhất là tội phạm khủng bố và tội phạm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Về đánh giá rủi ro, dự thảo Luật bổ sung các quy định về đánh giá rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền, cụ thể bổ sung quy định về nghĩa vụ thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền. Theo đó định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Việt Nam.
Cho rằng sự điều chỉnh tội phạm rất nhanh chóng, linh hoạt và tinh vi, đại biểu Trình Lam Sinh đề xuất tổ chức đánh giá rủi ro 2 năm một lần để bảo đảm tính kịp thời, giảm thiểu rủi ro và tránh cho Việt Nam trở thành điểm trung chuyển rửa tiền của tội phạm.
Theo đại biểu Trình Lam Sinh, hoạt động rửa tiền không chỉ lưu thông qua tiền tệ, vàng bạc, qua hệ thống ngân hàng, mà còn trong hoạt động mua bán, chuyển nhượng bất động sản. Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng, đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan trực thuộc của Bộ này để nâng cao trách nhiệm và phối hợp trong phòng, chống rửa tiền.
Đại biểu Trình Lam Sinh - đoàn An Giang phát biểu tại phiên họp tổ |
Dự thảo Luật đề xuất phòng, chống rửa tiền chủ yếu để phòng, chống tội phạm khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đại biểu đề nghị Quốc hội cho rà soát, chuẩn bị sửa đổi luôn 2 luật này để bảo đảm tính đồng bộ với Luật Phòng, chống rửa tiền.
Liên quan nội dung đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền (Điều 7), đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) có chung quan điểm tổ chức đánh giá rủi ro theo định kỳ 2 năm một lần hoặc theo yêu cầu tùy tình hình thực tế, và Chính phủ phải báo cáo với Quốc hội, vì đây là một lĩnh vực rất quan trọng mà đại biểu Quốc hội và Quốc hội cần phải biết để có các quyết sách sửa đổi, bổ sung Luật hoặc có các giải pháp cụ thể.
Điều 8 trong dự thảo Luật đề cập 7 hành vi bị nghiêm cấm, cần bổ sung thêm một quy định là: Những hành vi vi phạm khác về phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật, để bảo đảm tính toàn diện, bao quát khi Luật được áp dụng trong thực tế.
Từ Điều 28 đến 33 quy định dấu hiệu đáng ngờ trên 6 lĩnh vực như ngân hàng, trung gian thanh toán, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, kinh doanh trò chơi có thưởng, kinh doanh bất động sản. Cho rằng 6 lĩnh vực này là chưa bao quát, đại biểu đề nghị bổ sung 1 điều khoản quy định những dấu hiệu đáng ngờ ở các lĩnh vực khác, giao Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế để có những điều chỉnh bổ sung cho phù hợp.
Đồng thời đề nghị làm rõ nội hàm quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền, theo đó ngoài việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, cần triển khai thực hiện những chính sách đối với các tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống rửa tiền, hoặc những chính sách nghiên cứu đầu tư khoa học công nghệ, trang thiết bị cho lĩnh vực này, hoặc chính sách đặc thù, ưu đãi cho những lực lượng chuyên trách tham gia phòng, chống rửa tiền.
Đại biểu Tống Văn Băng - đoàn Hải Phòng nêu rõ, kể từ khi thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền (năm 2013) đến nay, chưa xử lý một hành vi vi phạm hành chính nào về rửa tiền và chỉ có 3 vụ án có nội dung liên quan. Dự thảo Luật có 7 điều và 59 hành vi được mô tả mang tính định tính, vì vậy đề xuất cần định lượng cụ thể về các hành vi rửa tiền như giao dịch qua ngân hàng là bao nhiêu, qua trung gian thanh toán là bao nhiêu, qua bảo hiểm nhân thọ là bao nhiêu để dễ tổ chức đánh giá hơn.
Góp ý về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Vương Quốc Thắng - đoàn Quảng Nam cho biết, vấn đề về tiền số và tài sản số là một sản phẩm công nghệ xuất hiện rất phổ biến trong thời gian qua. Tiền số và tài sản số rất dễ dàng được trao đổi trên phạm vi toàn cầu nên tiền số và tài sản số là một kênh để tội phạm lợi dụng để rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Báo cáo của Bộ Tư pháp ngày 29/10/2017 cũng đề cập đến vấn đề về tiền số, tài sản số có nguy cơ bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp, trong đó có rửa tiền và tài trợ khủng bố. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý để quản lý tài sản số, ngăn chặn các rủi ro liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Bên cạnh đó cũng cần phải mở rộng phạm vi, đối tượng báo cáo là tổ chức cung cấp dịch vụ, tài sản số để tạo ra cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát các hoạt động có rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố.