Phát triển ngành công nghiệp hóa chất: Hình thành các tổ hợp hóa chất có quy mô lớn |
Thiếu các dự án hóa chất có công nghệ hiện đại
Thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngày 27/10, đại biểu Lã Thanh Tân – đoàn Hải Phòng đã nêu một số ý kiến đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về cơ chế, chính sách và giải pháp để phát triển ngành công nghiệp hóa chất.
Đại biểu Lã Thanh Tân – đoàn Hải Phòng |
Đại biểu cho biết, theo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ngành công nghiệp hóa chất được xem là ngành kinh tế có tính chất nền tảng, đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với đóng góp GDP chiếm khoảng 5% trong toàn ngành công nghiệp, tốc độ tăng trưởng hàng năm trung bình ở mức trên 10% luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. “Theo đó, công nghiệp hóa chất có tiềm năng phát triển tốt do sản phẩm của ngành này là nguyên liệu đầu vào cho một số ngành kinh tế có tốc độ phát triển cao như: dệt may, da giày, gỗ, sản phẩm từ gỗ, thiết bị linh kiện điện tử, ôtô, xây dựng, thủy, hải sản”- đại biểu Lã Thanh Tân nhìn nhận.
Tuy nhiên vị đại biểu này chỉ ra, điểm hạn chế lớn hiện nay là ngành chưa có công nghệ nguồn và cơ chế chính sách phát triển công nghệ nguồn cho ngành hóa để chất tận dụng tối ưu nguồn nguyên liệu trong nước. Chính vì vậy chưa tận dụng nguồn nguyên liệu nội địa, thực tế nguyên liệu và các sản phẩm hóa chất quan trọng phục vụ sản xuất đều phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. “Điều này làm tăng giá thành một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực dẫn đến giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam”- đại biểu cho hay.
Nêu thêm những hạn chế, đại biểu Lã Thanh Tân chỉ ra, công nghiệp hóa chất đứng trước một số khó khăn như quan điểm nhận thức của một bộ phận dân cư, chính quyền địa phương về vị trí vai trò tiềm năng cũng như sự cần thiết phải phát triển công nghiệp hóa chất. Cụ thể, công nghiệp hóa chất còn thiên về hướng an toàn e ngại sự cố hóa chất, sự cố môi trường cũng như ảnh hưởng đến chính trị, an toàn, an sinh xã hội.
“Nhà nước có tiếp tục đầu tư các dự án lớn, trong khi khối tư nhân không đủ vốn, không muốn đầu tư lớn để tránh rủi ro và khó liên kết để phát triển. Vì vậy, thiếu các dự án có quy mô lớn công nghệ hiện đại, làm hạt nhân làm đầu tàu, thu hút các dự án vệ tinh”- vị đại biểu này nêu thực trạng.
Phân tích cụ thể hơn, đại biểu cho rằng, hệ thống pháp luật và các chính sách tuy cải thiện, nhưng vẫn bất cập, chồng chéo độ trễ cao chưa bắt kịp sự phát triển của ngành, Nhà nước còn thiếu chính sách đặc thù linh hoạt có khả năng tạo “cú hích” thu hút tối đa các nguồn lực đặc biệt nguồn lực trong nước cho đầu tư.
Bên cạnh đó, hoạt động và kết nghiên cứu khoa học còn hạn chế, thiếu đề tài, phòng thí nghiệm, thiếu công nghệ mới hiện đại có quy mô lớn, chưa có khả năng cạnh tranh đầu tư, vấn đề vốn ở cả Nhà nước tư nhân còn hạn chế.
Luật Hóa chất năm 2007 trải qua 15 năm thực hiện đã bộc lộ hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay, như phân định sản phẩm hóa chất chưa rõ ràng. “Việc phân công quản lý hóa chất còn chồng chéo gây khó khăn trong việc xác định hóa chất do cơ quan nào quản lý?”- đại biểu Lã Thanh Tân nêu thực tế.
Đồng thời hạ tầng, thông tin quản lý hóa chất còn nhiều yếu kém hệ thống tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn vận chuyển xây dựng bảo quản chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Đáng chú ý, đội ngũ cán bộ còn mỏng từ Trung ương đến địa phương, nhiều Sở Công Thương không có cán bộ được đào tạo bài bản về hóa chất.
6 đề xuất phát triển công nghiệp hóa chất
Ngày 16/6/2022 Thủ tướng ban hành Quyết định số 726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 với quan điểm phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp hóa chất.
Theo đại biểu Lã Thanh Tân, để thực hiện hiệu quả và thành công chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất trở thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại trong phát triển kinh tế đất nước, đại biểu Lã Thanh Tân đã nêu 6 đề nghị. Cụ thể, thứ nhất sớm chỉ đạo tổng kết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hóa chất năm 2007 xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, trong đó có nội dung về công nghiệp hỗ trợ để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội ngày 27/10 |
Đồng thời ban hành các quy chế chính sách cụ thể làm cơ sở pháp lý để phát triển ngành công nghiệp hóa chất là ngành công nghiệp nền tảng; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhân thức về vị trí vai trò để đề xuất thực thi các cơ chế chính sách phù hợp phát triển công nghiệp hóa chất. “Tăng cường công tác quản lý, giám sát an toàn bảo vệ môi trường, xây dựng tiêu chí, hình ảnh về ngành công nghiệp hóa chất phát triển xanh bền vững”- đại biểu nêu quan điểm.
Thứ hai, sử dụng hợp lý tiết kiệm nguồn tài nguyên tìm kiếm các nguồn tài nguyên mới để phát triển ngành công nghiệp hóa chất ứng dụng công nghệ hiện đại để dịch chuyển cơ cấu nhằm gia tăng giá trị tăng thêm thúc đây công tác tuần hoàn trong lĩnh vực hóa học công nghiệp hóa chất gắn liền với bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu và công nghiệp sinh thái.
Thứ ba, trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, các tỉnh, đề nghị Chính phủ và các địa phương quan tâm xây dựng hình thành và phát huy hiệu quả các cụm công nghiệp tập trung, tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn di dời các Nhà máy hóa chất vào các khu, cụm công nghiệp nhằm quản lý tập trung hiệu quả.
Thứ tư, phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất với công nghệ cao chú trọng phát triển các lĩnh vực sản phẩm ưu tiên bao gồm các sản phẩm hóa chất có nhu cầu lớn, giá trị gia tăng cao có lợi thế đảm bảo an ninh lương thực, an ninh y tế.
Thứ năm, cần đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế nhằm tận dụng các nguồn lợi thế về nguồn vốn, công nghệ, trình độ quản lý của quốc tế và các doanh nghiệp, đặc biệt là các quốc gia có ngành công nghiệp hóa chất phát triển hiện đại và các tập đoàn lớn trong lĩnh vực hóa chất.
Thứ sáu, cần có cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút đào tạo nhân lực có nguồn lực công cao để làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành hóa chất.