Quảng Ninh: Hiệu quả trong phát triển du lịch từ lễ hội truyền thống các dân tộc Thanh Hóa có 2 lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số nằm trong kế hoạch bảo tồn |
Khát vọng của nhân dân
Ngày nay, lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử - Tiên Dung năm nay được tổ chức theo quy mô hàng tổng (3 năm một lần) với sự tham gia của 9 làng trong Tổng Mễ xưa, nay là 9 thôn thuộc 2 xã: Bình Minh (Khoái Châu) và Mễ Sở (Văn Giang). Trong ngày đầu diễn ra lễ hội, các thôn tiến hành rước kiệu Thành Hoàng các làng về đền Đa Hòa, xã Bình Minh dự lễ hội; dâng hương tế lễ Thánh. Ngoài phần lễ, trong thời gian diễn ra lễ hội còn có các trò chơi dân gian truyền thống, giao lưu văn nghệ, thể thao như: Cờ tướng, bơi chải, hát ca trù, hát trống quân, thi múa rồng…
Đáng chú ý, điểm nhấn trong lễ hội năm nay là lễ rước nước, du thuyền trên sông Hồng. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 1 đến ngày 3/3 (tức từ ngày 10 đến ngày 12/2 âm lịch). Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung là lễ hội tình yêu độc đáo nhất cả nước, không chỉ là nơi thờ cúng tâm linh mà còn là điểm du lịch, tham quan thu hút đông đảo du khách khi đến với Hưng Yên.
Đặc sắc lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử - Tiên Dung |
Là một trong những lễ hội lớn của cả nước, Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung tái hiện lại bức tranh về đời sống tinh thần phong phú, sinh động và mang giá trị văn hóa sâu sắc của người Việt cổ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng nghìn năm về trước.
Không chỉ là nơi lưu truyền, lan tỏa huyền thoại về một tình yêu cao đẹp, thiêng liêng giữa chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung (con gái Vua Hùng thứ 18) mà còn là nơi giáo dục truyền thống hiếu thảo, tình cảm nhân văn và lòng nhân ái cho các thế hệ sau, lễ hội cũng thể hiện khát vọng của nhân dân cầu cho mưa thuận, gió hòa để cấy cày thuận lợi, xóm làng yên vui, ấm no và hạnh phúc.
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung được tổ chức hằng năm, năm 2023, là năm diễn ra lễ hội hàng Tổng.
Tương truyền sự tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung
Tương truyền, Chử Đồng Tử quê ở làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội), con trai của ông Chử Cù Vân và bà Bùi Thị Gia. Vợ mất sớm, ông Chử Cù Vân ở vậy một mình nuôi con. Trong một lần bị hỏa hoạn, hai cha con chỉ còn một cái khố, phải thay nhau dùng. Chẳng bao lâu, ông Chử Cù Vân bị bệnh nặng, trước khi qua đời, ông dặn con hãy giữ chiếc khố cho bản thân. Thương cha nên Chử Đồng Tử liệm khố cho cha, còn mình chịu cảnh không quần, không áo, hằng ngày mò cua bắt cá kiếm sống ven sông.
Thời ấy, Hùng Vương thứ 3 có con gái tên là Tiên Dung, đến tuổi cập kê mà vẫn chưa chịu lấy chồng. Một ngày, thuyền rồng của Tiên Dung đến thăm vùng Chử Xá, nghe tiếng chuông trống, đàn sáo, lại thấy nghi trượng, người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền ghé vào bờ, công chúa Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bụi lau để tắm, ngờ đâu đúng ngay chỗ của Chử Đồng Tử. Nước xối dần để lộ thân hình Chử Đồng Tử dưới cát, công chúa Tiên Dung kinh ngạc bèn hỏi han sự tình, rồi xin được nên duyên vợ chồng.
Sau khi kết duyên cùng Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung bị vua cha nổi giận không nhận con. Công chúa không dám quay về mà ở lại cùng chồng mưu sinh bằng nghề chài lưới, mở bến, lập chợ, cùng Nhân dân buôn bán tạo thành một khu vực giao thương sầm uất. Cảm mến tình cảm vợ chồng Chử Đồng Tử, Tiên Ông đã truyền phép thần cho Chử Đồng Tử. Họ cùng nhau đi khắp vùng ven sông Hồng dùng chiếc gậy thần để cứu sống những người chết do bị nạn dịch, đói khổ…
Trên đường cứu nhân độ thế, công chúa Tiên Dung tình cờ gặp nàng Tây Sa vốn là công chúa Tây cung giáng trần, bèn kết nghĩa chị em, rồi xe duyên cho Chử Đồng Tử, cùng nhau giúp đời. Nàng Tây Sa dùng chiếc gậy thần và cái nón tiên xây dựng cung điện bằng châu ngọc và kho tàng đầy đủ của cải, màn gấm chiếu hoa.
Có kẻ nịnh thần về tâu với Vua Hùng, vợ chồng công chúa Tiên Dung làm phản, lập thành quách và bờ cõi riêng. Vua Hùng hạ lệnh sai quan quân đến dẹp loạn. Vợ chồng Chử Đồng Tử không dám cãi lệnh cha, chờ chịu tội. Khi binh lính nhà vua gần đến nơi, bỗng chốc một trận cuồng phong nổi lên, cả tòa thành cùng người đều bay lên trời, chỉ còn một dải cát giữa đầm lầy mênh mông. Người đời sau gọi đầm ấy là đầm Nhất Dạ (đầm được hình thành trong một đêm) hay đầm Dạ Trạch…
Cảm động trước mối tình bất tử, nhân dân các làng ven sông Hồng ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ lập đền thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa, tưởng nhớ công ơn của họ. Hiện nay, huyện Khoái Châu có 2 địa phương cùng có di tích thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung là đền Hóa, xã Dạ Trạch và đền Đa Hòa, xã Bình Minh.
Với ý nghĩa và những giá trị văn hóa đặc sắc, ngày 2/2/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 153/QĐ-BVHTTDL chứng nhận Lễ hội đền Đa Hòa của 2 xã (Bình Minh và Mễ Sở) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực để chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa lâu đời của di sản trên địa bàn. |