Sáng 29/8, tại Trụ sở Chính phủ, diễn ra Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu ÂU (EC) lần thứ 4. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị.
Đoàn Thanh tra của EC sang Việt Nam thanh tra thực tế lần thứ 4 về chống khai thác IUU vào tháng 10/2023 |
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, sau hơn 6 năm bị cảnh báo “Thẻ vàng” đã có những chuyển biến đáng kể trong công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản, chống khai thác IUU.
Qua kết quả làm việc trực tiếp với Đoàn Thanh tra của Tổng vụ Biển và Thủy sản châu Âu (DG – MARE) về các khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3, EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU, một số nội dung đã triển khai các giải pháp xử lý và có kết quả cập nhật, trao đổi kịp thời.
Tuy nhiên, sau đợt thanh tra lần thứ 3 của EC kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC, cũng như thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đến nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục trên thực tế tại địa phương.
Đến nay, chưa hoàn thành việc đăng ký tàu cá, cấp Giấy phép khai thác thủy sản; cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) chưa đầy đủ.
Cụ thể, tổng số tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở dữ liệu VNFisbase là 71.658/86.820 chiếc, đạt 82,5%. Tổng số tàu cá đã được cấp giấy phép còn hạn mới đạt khoảng 70%; trong đó, từ 6 đến dưới 12 mét đạt 46%; từ 12 đến dưới 15 mét đạt 64,6%; từ 15 m trở lên đạt 94,8%.
Tình trạng tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản chưa đảm bảo đủ điều kiện vẫn tiếp tục diễn ra. Theo đó, lắp đặt thiết bị VMS đạt gần 100% nhưng tình trạng tàu cá ngắt kết nối VMS xảy ra phổ biến với số lượng lớn. Tình trạng tàu cá không cập cảng chỉ định theo quy định vẫn diễn ra thường xuyên; tỉ lệ giám sát sản lượng thủy sản qua cảng còn thấp.
Thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước còn nhiều tồn tại. Theo đó, nhật ký khai thác thủy sản qua kiểm tra hầu hết là hồi ký, ghi không đúng, ghi không đầy đủ mẻ lưới, chưa ghi đến loài... dẫn đến chưa đảm bảo độ tin cậy trong truy xuất nguồn gốc.
Một số hồ sơ truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu hiện nay còn mang tính chất đối phó; việc ghi, nộp Nhật ký còn nhiều sai sót và mới đạt khoảng 45%, giám sát được khoảng 50% sản lượng qua cảng đối với tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên.
Việc kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài chưa đảm bảo đầy đủ theo quy định quốc tế; chưa có cơ chế kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu container; chưa đảm bảo 100% nguyên liệu vào cơ sở chế biến thủy sản được chứng nhận chống khai thác IUU dẫn tới rủi ro có sản phẩm IUU được nhập khẩu vào Việt Nam và có nguy cơ xảy ra tình trạng nguyên liệu thô trong nước và nước ngoài được trộn lẫn để chế biến, xuất khẩu vào thị trường EU.
Về thực thi pháp luật và xử lý vi phạm. Tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra, diễn biến phức tạp.
Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay (tính đến ngày 29/8/2023) tiếp tục xảy ra 39 tàu/252 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. EC khẳng định không gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” nếu không chấm dứt tình trạng này.
Ngoài ra, tình trạng tàu cá tắt, tháo gỡ thiết bị VMS gửi sang tàu cá khác để khai thác sai vùng và trốn tránh sự giám sát của lực lượng chức năng đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn ra phức tạp.
Kết quả điều tra, truy tố hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài còn hạn chế.
Công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU tại một số địa phương rất yếu kém, thiếu trách nhiệm và chưa thống nhất, đồng bộ; đặc biệt là vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển…
“Từ ngày 24/10/2022 đến ngày 29/8/2023, có tổng cộng 412 lượt tàu từ 24 mét trở lên mất kết nối VMS trên 10 ngày trên biển nhưng kết quả xác minh, xử phạt tại địa phương mới được 41 lượt tàu (chiếm 18,2%); lập biên bản cảnh cáo, nhắc nhở và yêu cầu ký cam kết 172 trường hợp (chiếm 76,4%); số vụ chưa xử lý kết thúc vụ việc 182 lượt tàu (chiếm 44,2%); chưa có phản hồi 5 lượt tàu (chiếm 1,2%)”, báo cáo nêu rõ.
Về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU, từ năm 2020 đến nay, cơ quan chức năng đã xử phạt trên 04 nghìn vụ với tổng số tiền xử phạt trên 110 tỷ đồng. Một số tỉnh đã tăng cường xử phạt các vụ việc vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm về VMS….
Nhìn chung, tỷ lệ các vụ việc được xử lý còn thấp so với thực tế và chưa đồng đều giữa các địa phương đối với các hành vi vi phạm không ghi, nộp nhật ký khai thác, khai thác sai vùng, đặc biệt là xử phạt vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, ngắt kết nối VMS còn rất hạn chế.
Thực hiện quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” tại đợt thanh tra lần thứ 4 của DG – MARE dự kiến vào tháng 10/2023; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo các Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển và các Bộ, Ngành có liên quan tập trung thực hiện các biện pháp mạnh không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ nay đến tháng 10/2023.
Bộ Công an, khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các Bộ, Ngành có liên quan tập trung thực hiện các biện pháp mạnh không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ nay đến tháng 10/2023; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng với kết quả thực hiện,….
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc địa phương khắc phục các tồn tại, hạn chế, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU; đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân làm tốt, hình thức xử lý nếu không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Chuẩn bị kỹ nội dung làm việc trực tuyến với EC vào tháng 9/2023 đảm bảo đạt kết quả tốt nhất; xây dựng kế hoạch tổng thể chuẩn bị tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC sang Việt Nam thanh tra thực tế lần thứ 4 vào tháng 10/2023, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.