Vượt qua quãng đường dài quanh co hơn 300km, Đoàn công tác của Báo Công Thương đã đặt chân đến Hà Giang - vùng đất biên cương nơi địa đầu của Tổ quốc. Trong ánh nắng vàng rực, lá quốc kỳ đỏ tươi căng mình đầy kiêu hãnh giữa bốn bề núi non trùng điệp, kỳ vĩ… như muốn kể cho chúng tôi nghe về lịch sử bi hùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc.
Dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên (tháng 4/2021) |
“Sống bám đá đánh giặc. Chết hóa đá bất tử. Thành lũy đôi mươi, bờ cõi non sông đời đời…”. Câu chuyện lịch sử về vùng đất Vị Xuyên của Đại tá Nguyễn Đình Tác - nguyên Trưởng ban Nghiên cứu khoa học Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang cứ vang vẳng đi vào tâm trí chúng tôi, khiến quãng đường chênh vênh, cái nắng bỏng rát của những ngày hè như dịu lại.
Đầu tiên, chúng tôi dừng chân tại Điểm cao 468, thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy - nơi tọa lạc Nhà tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên năm xưa… Trong không khí linh thiêng, Đoàn công tác do nhà báo Trương Thu Hiền - Tổng biên tập làm Trưởng đoàn đã thành kính dâng hương và gióng hồi chuông tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh máu xương để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Trước anh linh các anh hùng liệt sỹ, tập thể cán bộ, phóng viên, người lao động Báo Công Thương nguyện phấn đấu xây dựng tờ báo vững mạnh, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng, lớn lao của các thế hệ anh hùng, liệt sỹ. Đất Vị Xuyên đã đi vào lịch sử, mãi nhớ và tự hào về các anh!
Dẫu đang phải căng mình để vượt qua dịch bệnh nhưng cả nước vẫn dành tình cảm thiêng liêng, huy động nhiều hơn nguồn lực để tri ân, động viên gia đình những người có công. Đó là truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, là dịp để ôn lại lịch sử hào hùng, nhắc nhở nhau nâng cao trách nhiệm giữ vững, phát huy những thành tựu cách mạng đáng tự hào của dân tộc. |
Có lẽ, chỉ khi đặt chân đến với Vị Xuyên, chúng tôi mới thực sự hiểu được ý nghĩa của hàng loạt địa danh nghe qua đã thấy “rùng rợn”: “Ngã ba cửa tử”, “Đồi thịt băm”, “Thung lũng gọi hồn”, “Thác âm phủ”... Và không thể nào ngăn được dòng nước mắt bởi lời hát thổn thức, chất chứa bi ai được cất lên từ một đoàn cựu chiến binh nào đó: “Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn. Hà Giang đã ngưng chiến trận… Hãy về đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu... Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào… Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi...”.
Điểm đến tiếp theo của đoàn công tác là Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên - “ngôi nhà chung”của hơn 1.800 liệt sỹ và 1 mộ tập thể chưa biết tên. Trước anh linh các anh hùng liệt sỹ, đoàn đã dâng hương bày tỏ lòng thành kính và tri ân sâu sắc đối với các anh hùng, liệt sỹ đã không tiếc máu xương hiến dâng cả tuổi thanh xuân để bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước. Lịch sử đã chọn Vị Xuyên để viết tiếp bản hùng ca bất khuất, anh dũng, kiên cường của những thế hệ trẻ vì nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ. Cuộc chiến đó đã khiến không ít những người con phải ra đi và những cuộc chia ly đã trở thành một phần của lịch sử mà trong mỗi chúng ta không bao giờ được lãng quên.