Bãi đỗ xe tại địa chỉ 15 Tú Mỡ (P. Hoà An, Q. Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) của HTX ô tô vận tải số 1 Đà Nẵng, hàng chục xe khách của Công ty Phương Trang nằm “phơi nắng” dù đã 3 ngày sau khi nối lại vận tải hành khách liên tỉnh. Các tuyến đường vận tải hành khách từ Đà Nẵng đi các tỉnh thành trong cả nước của Công ty Phương Trang đều chưa được khai thông. Dù đã có hướng dẫn thống nhất, song thực tế không phải tỉnh nào cũng triển khai thuận lợi.
![]() |
Khu vực ghế chờ trong phòng vé tại bến xe Đà Nẵng vắng không một bóng người |
Nhân viên bảo vệ sân bãi của HTX ô tô vận tải số 1 Đà Nẵng cho biết: “Những chuyến xe khách đều chưa hoạt động, nằm bất động đã được 4 tháng. Thỉnh thoảng tài xế đến kiểm tra tình trạng xe và nổ máy thôi”.
Những chiếc xe buýt phục vụ tuyến liên tỉnh liền kề Đà Nẵng – Huế cũng đã dừng hoạt động được 4 tháng.
Dù đã được phép nối lại hoạt động liên tỉnh, nhưng nhiều nhà xe vẫn ngần ngại thời gian hoạt động trở lại và chưa sẵn sàng xuất bến. Trong đó, nguyên nhân nổi bật là các thủ tục để đảm bảo điều kiện được xuất bến (tài xế tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID–19, có giấy xét nghiệm âm tính với Covid – 19 trong 72 giờ) làm phát sinh chi phí, tạo áp lực cho doanh nghiệp.
Ông Thanh Sơn, chủ nhà xe Thanh Sơn chạy tuyến Đà Nẵng – Hà Nội cho biết với những quy định phòng chống dịch hiện tại như xét nghiệm Covid – 19 3 ngày/lần cho nhân viên, khách đi số lượng hạn chế… cùng với một số yếu tố khách quan như giá xăng tăng... làm phát sinh nhiều chi phí gây áp lực cho doanh nghiệp. “Lăn bánh là tốn cả chục triệu đồng, mỗi chuyến chở để duy trì tuyến, nhận chở hàng cũng chỉ bù lỗ 1-2 triệu đồng thôi”, ông Sơn cho hay.
Tương tự, đại diện nhà xe Quốc Đạt (tuyến Đà Nẵng – Đăk Nông) cho rằng quy định tài xế phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ trước khi lên xe đang gây khó khăn cho các nhà xe. Nhiều tài xế, phụ xe mới tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid – 19 và đã đợi 3-4 tháng nay vẫn chưa được tiêm mũi 2.
![]() |
Hàng trăm chiếc xe khách liên tỉnh vẫn đang nằm phơi mưa, nắng tại bến xe Đà Nẵng mà chưa chuyển bánh dù đã được phép hoạt động trở lại từ ngày 13/10 |
Bên cạnh đó, một nguyên nhân lớn nữa đó là chi phí để duy tu, bảo trì, bảo dưỡng máy móc để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật trước khi lăn bánh.
“Sau nhiều tháng phải tạm dừng hoạt động, tài chính của một số doanh nghiệp cũng dần cạn kiệt trong khi muốn hoạt động trở lại an toàn mỗi xe còn tiêu tốn một khoản không nhỏ để duy tu, bảo trì”, đại diện 1 chủ nhà xe chia sẻ và thông tin thêm mỗi xe khi lăn bánh phải đảm bảo an toàn kỹ thuật theo quy định, cùng với đó khi xe chạy chi phí phát sinh thêm nhiều, thu không bù chi sẽ làm tình hình thêm khó khăn, vì vậy rất ít doanh nghiệp mạnh dạn khai thác tuyến, nhất là với các doanh nghiệp vận tải nhỏ. Theo đại diện nhiều nhà xe, mỗi xe khách phải tốn từ 5 – 10 triệu đồng để duy tu, bảo trì máy móc.
Trong khi đó, dù lăn bánh trở lại lượng khách cũng rất hạn chế. Trong khu vực đón khách của bến xe Đà Nẵng ngày 15/10 chỉ có một chuyến xe của Nhà xe Quốc Đạt, chạy tuyến Đà Nẵng – Đắk Nông là đủ điều kiện vận tải hành khách. Nhưng số khách đi trên 1 tuyến đường dài này chỉ vỏn vẹn 4 người. “Với số lượng hành khách ít ỏi như vậy thu chắc chắn không đủ chi”, đại diện nhà xe nói.
![]() |
Chỉ có một chuyến xe Quốc Đạt tuyến Đà Nẵng - Đăk Nông xuất bến nhưng vỏn vẹn chỉ có 4 hành khách |
Ngoài ra, theo các nhà xe hiện thủ tục xuất bến mất khá nhiều thời gian, chưa tính đến việc đi qua các chốt kiểm soát dịch tại cửa ngõ các địa phương, thời gian từ lúc xuất đến đi đến bến đến chắc chắn sẽ bị khéo dài.
Anh Phan Văn Hiệp (32 tuổi, người dân TP Đà Nẵng) đưa mẹ đến bến xe thành phố để bắt chuyến xe của nhà xe Quốc Đạt về quê. Anh cho biết rằng, mình và mẹ đã đến nơi lúc 1 giờ chiều nhưng giờ 4 giờ chiều rồi vẫn chưa được đi. “Đợi 4 tháng rồi mới có thể về quê nên giờ thôi chịu khó đợi thêm vài tiếng vậy”, anh Hiệp chia sẻ.