TP. Đà Nẵng đã xây dựng ứng dụng QR - Code để kiểm soát lượt ra vào chợ, tiến tới kiểm soát lượt người ra vào tại các nơi thường xuyên tập trung đông người |
Quét thẻ QR Code khi vào chợ
Từ ngày 24/5, 4 chợ loại 1 trên địa bàn TP. Đà Nẵng (chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Hàn) bắt đầu triển khai kiểm soát việc ra vào chợ của người dân bằng thẻ việc quét mã QR Code.
Ông Đàm Văn Tẩu – Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng (thuộc Sở Công Thương Đà Nẵng) cho biết lực lượng trực tại các cổng vào 4 chợ đã được tập huấn, hướng dẫn kiểm tra việc ra vào bằng thẻ QR – Code.
Người dân tại 5 phường thí điểm thực hiện đi chợ bằng thẻ QR – Code khi đến 4 chợ sẽ xuất trình thẻ, lực lượng bảo vệ sẽ sử dụng phần mềm đã được cài đặt trong máy để quét mã. Nếu thẻ vào hợp lệ (đúng ngày, đúng đối tượng) sẽ có thông báo dấu tích màu xanh, nếu thẻ không hợp lệ (sai ngày, đã từng từng vào chợ trong ngày được đi chợ) kết quả trả về sẽ là dấu tích màu đỏ. Tất cả các công đoạn kiểm tra chỉ chưa đến 5 giây.
Ghi nhận trong 2 ngày 24 & 25/5, người dân sử dụng thẻ đi chợ QR – Code đều hài lòng và phản hồi tích cực về tính tiện lợi của mã QR – Code. Vừa quét thẻ QR – Code để vào chợ, anh Trần Thanh Phương (số 32, Vũ Trọng Phụng, phường Hòa Cường Nam) cho rằng sử dụng thẻ QR – Code ra vào chợ thuận tiện hơn sử dụng thẻ ra vào chợ trước đây. “Bây giờ mỗi lần đi chợ mình không mất công phải điền thông tin. Cầm thẻ giấy cũng sợ đi đường làm rơi hay ướt, có mã QR – Code rồi mình nói cả gia đình chụp lưu vào điện thoại, khi đi chợ chỉ cần đưa điện thoại ra để họ quét mã từ ảnh trong điện thoại cũng được, rất tiện lợi và nhanh chóng”, anh Phương chia sẻ.
Ông Trần Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP. Đà Nẵng cho biết, xuất phát đề nghị kiểm soát hiệu quả hơn vào ra chợ của Sở Công Thương và quản lý, truy vết nhanh dịch bệnh của Sở Y tế, Sở TT&TT Đà Nẵng phối hợp với các kỹ sư của Công ty ASTRALER, Công ty SDT xây dựng ứng dụng quét mã QR – Code để kịp thời đưa vào phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Việc triển khai kiểm soát vào chợ qua QRCode thuận lợi cho người dân (lưu giữ QRCode trên điện thoại, tránh mất, hỏng, …); thuận lợi cho cơ quan quản lý chợ như cấu hình động số ngày, số lượt đi chợ trên 1 vé QRCode; biết được số lượng người đi chợ tại một thời điểm hay trong 1 ngày để ra quyết định quản lý; nhưng đặt biệt quan trọng nhất là trường hợp có F0, F1 đi chợ thì có thông tin, số liệu để cảnh báo, truy vết nhanh và chính xác, phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
“Đội ngũ phát triển Ứng dụng vẫn làm việc hàng ngày để hỗ trợ người dùng, và cập nhật ứng dụng theo yêu cầu. Ngoài sử dụng máy điện thoại, máy tính để Check-in qua QRCode như ban đầu, phần mềm hiện đã thêm tính năng Check-in đầu đọc BarCode (không tiếp xúc giữa người kiểm soát và người vào chợ, khắc phục hạn chế hết pin của điện thoại)”, ông Thạch thông tin.
Đã có hơn 864.000 lượt khai báo y tế thông qua các ứng dụng khai báo y tế điện tử mà TP. Đà Nẵng triển khai |
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào phòng chống dịch Covid – 19
Ngay khi dịch Covid – 19 tại TP. Đà Nẵng tái bùng phát (3/5), bên cạnh việc quyết liệt truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào phòng chống dịch bệnh, tập trung vào công tác khai báo y tế, kiểm soát người ra vào ở nơi đông người, xây dựng bản đồ phòng chống dịch, truy vết….
TP. Đà Nẵng đã xây dựng các phần mềm để người dân có thể khai báo y tế điện tử thông qua ứng dụng DaNang Smart City, website: https://khaibaoyte.danang.gov.vn hoặc qua Zalo Tổng đài 1022. Tính đến 13h ngày 25/5, đã có hơn 864.000 lượt khai báo y tế qua các ứng dụng, chiếm hơn 50% dân số thành phố.
Đối với ngành Công Thương, đến ngày 23/5, 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Sở Công Thương, các đơn vị trực thuộc, các BQL chợ và khoảng 2.801 người bao gồm hộ kinh doanh, người phụ bán hàng tại 04 chợ do Sở quản lý đã khai báo y tế online.
TP. Đà Nẵng còn ứng dụng CNTT vào xây dựng Bản đồ chống dịch - An toàn Covid - 19; vận hành cơ sở dữ liệu bệnh nhân và bản đồ dịch tễ Covdi - 19 (Covidmaps) đề kịp thời cập nhật thông tin dịch tễ ở các địa phương đang có dịch, đồng thời tích hợp ứng dụng này trên app Da Nang Smart City đề người dân dễ dàng nắm bắt thông tin và sử dụng. CNTT cũng được ứng dụng để quản lý lưu trú trực tuyến, xây dựng biểu đồ số liệu Covid - 19 phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố, ứng dụng truy vết sớm dịch tễ, đăng ký xét nghiệm Covid - 19 trực tuyến....
Ngoài chống dịch, Đà Nẵng đang sử dụng hiệu quả các ứng dụng CNTT để thông tin về tình hình dịch Covid – 19 đến với người dân. Mỗi ngày, Tổng đài 1022 đã cung cấp thông tin về dịch Covid – 19 trên địa bàn thành phố đến khoảng 960.000 tài khoản Zalo, cung cấp hàng chục nghìn lượt thông tin cho người dùng mạng xã hội Facebook, gửi tin nhắn tự động từ chatbot Tổng đài 1022; giải đáp hàng trăm thông tin, yêu cầu qua Tổng đài 1022; không có ý kiến phản ánh, góp ý qua Kênh tiếp nhận thông tin “Phản ánh - góp ý liên quan COVID-19” trên Cổng góp ý….
Để tiếp tục đảm bảo phòng chống dịch Covid - 19 tại những nơi thường xuyên đông người, TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai việc kiểm soát việc ra/vào tại các khu vực này qua mã QR - Code. Các địa điểm được yêu cầu triển khai cụ thể như các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở kinh doanh thuốc; các chợ, trung tâm thương mại; các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; các trường học, ký túc xá sinh viên; các cơ sơ lưu trú, khu điểm du lịch....
Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP. Đà Nẵng, sự nỗ lực của các lực lượng phòng chống dịch Covid – 19, sự đồng lòng của người dân, và việc linh hoạt, áp dụng kịp thời các ứng dụng CNTT vào phòng chống dịch Covid – 19, đến thời điểm hiện tại, TP. Đà Nẵng đã kiểm soát tốt và tiến đến đẩy lùi dịch bệnh.