Ứng dụng khoa học công nghệ để khắc phục “điểm yếu” thời tiết
Từ miền Bắc vào TP. Đà Nẵng lập nghiệp, gia đình anh Đào Huy Tùng (SN 1982, Hòa Thọ Tây, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) kinh doanh và làm nhiều công việc để ổn định thu nhập. Qua quan sát, anh Tùng phát hiện giá nấm rơm tại TP. Đà Nẵng cao hơn rất nhiều so với các địa phương khác, kể cả so với 2 địa phương lân cận như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế; nhu cầu tiêu thụ nấm rơm tại Đà Nẵng cũng rất mạnh, đặc biệt vào 4 ngày 30, mùng 1, 14 và 15 âm lịch hàng tháng. Tìm thấy cơ hội để đầu tư, anh Tùng quyết định tìm học và nghiên cứu trồng nấm rơm.
Hiện giá nấm rơm tại TP. Đà Nẵng đang thuộc hàng cao nhất cả nước, dư địa của thị trường còn rất nhiều |
Theo anh Tùng, nấm rơm cũng như tất cả các dòng nấm phụ thuộc rất lớn vào thời tiết và là dòng sản phẩm “thuần sạch”, hoàn toàn tự nhiên. “Nếu chỉ cần có lẫn bất kỳ một phần nhỏ hóa chất nào vào nguyên liệu thì phôi nấm sẽ hư, nấm không ra”, anh Tùng nói và cho rằng sở dĩ nấm rơm tại Đà Nẵng luôn “neo” ở mức giá cao bởi nhiệt độ tại thành phố rất dễ gây sốc nhiệt cho nấm. Nhiệt độ trung bình để nấm sinh trưởng và phát triển là từ 30 - 35 độ C, trong khi nhiệt độ tại TP. Đà Nẵng thường xuyên thay đổi, chênh lệch nhiệt độ trong ngày lớn.
Bên cạnh đó, đặc thù của nấm rơm là sản phẩm dùng ngay. Sau khi thu hoạch nếu không sử dụng trong 24 giờ thì dù bảo quản tốt chất lượng nấm vẫn “tuột dốc không phanh” thể hiện rõ nét qua việc chuyển màu trên thân sản phẩm từ màu trắng đục sang màu nâu đậm. Chính vì vậy, dù các địa phương khác sản xuất được nấm rơm và giá thành thấp cũng không thể đưa về TP. Đà Nẵng để tiêu thụ. “Tại Đà Nẵng cũng có nhiều hộ gia đình, đơn vị, hợp tác xã làm nấm, nhưng chủ yếu là các loại nấm khác. Đầu tư cho nấm rơm chi phí lớn, đòi hỏi kĩ thuật cao; lại rất rủi ro nếu nấm ra không đúng ngày thì khó tiêu thụ”, anh Tùng cho hay.
Xác định thời tiết là điểm yếu lớn nhất trong quá trình sản xuất, anh Tùng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà trồng nấm và mày mò tìm hiểu các loại thiết bị máy móc để khắc phục nhược điểm trên. “Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn cả về mua sắm máy móc thiết bị lẫn hướng dẫn, tư vấn sử dụng của Sở Khoa học & Công nghệ cũng như Hội Nông dân huyện Hòa Vang”, anh Tùng thông tin và cho biết thêm, điểm quan trọng nhất của khâu tiêu thụ nấm rơm đó là canh đúng ngày thu hoạch. Nhờ áp dụng máy móc thiết bị điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng trong phòng nấm và qua hơn 3 năm “thử sai”, nhiều lần thất bại, đến thời điểm hiện tại tỷ lệ nấm rơm thu hoạch đúng thời điểm của hộ gia đình anh Tùng đã ở mức gần như tuyệt đối.
Áp dụng máy móc thiết bị hiện tại giúp anh Tùng giải quyết được vấn đề thời tiết, chủ động được nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng trong phòng nấm, sản phẩm nấm đạt chất lượng cao hơn |
“Năng suất hiệu quả khi đầu tư máy móc tăng rõ rệt. Hiện tỷ lệ nấm thành phẩm/nguyên liệu đầu vào là 15 - 17%, cao hơn nhiều so với hình thức làm truyền thống thường chỉ khoảng 10%. Cùng với đó, thời gian cho 1 vụ nấm sẽ rút ngắn từ 15 - 20 ngày xuống chỉ còn 12 - 15 ngày”, anh Tùng chia sẻ.
Hướng tới mô hình nông nghiệp hữu cơ, đưa sản phẩm vào kênh phân phối bán lẻ lớn
Hiện tại gia đình anh Tùng đang có 8 phòng nấm (diện tích 35m2 mỗi phòng), thiết kế trồng theo tầng để tối ưu hóa diện tích sử dụng. Mỗi phòng mỗi tháng sử dụng khoảng 600kg nguyên liệu và cho ra khoảng trên dưới 90kg nấm rơm thành phẩm, và sản xuất 1 vụ/tháng, thời gian còn lại để khử khuẩn, làm sạch phòng. Trung bình mỗi tháng trại nấm của anh Tùng sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 700kg nấm rơm chất lượng cao. “Chúng tôi chỉ thu hoạch và bán đúng 2 ngày là mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Sản phẩm làm ra được bỏ sỉ tại chợ đầu mối Hòa Cường và luôn “cung không đủ cầu”, giá sản phẩm nấm của chúng tôi luôn được thu mua ở mức cao nhất so với mặt bằng chung của thành phố”, anh Tùng nói. Mỗi tháng trừ mọi chi phí (gồm chi phí kỹ thuật và chi phí có 2 lao động thường xuyên, 3 lao động thời vụ), trại nấm mang về cho anh Tùng từ 30 - 35 triệu đồng.
Đối với lượng bã thải trồng nấm sau mỗi vụ thu hoạch, anh Tùng ủ để làm phân bón hữu cơ và bán ra thị trường với giá rẻ.
Trồng nấm rơm mang lại cho anh Tùng thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng |
Nhu cầu thị trường tiêu thụ nấm rơm hiện tại vẫn còn đang dồi dào cùng với những kinh nghiệm đã tích lũy được, anh Tùng có dự định mở rộng sản xuất trong thời gian tới. "Tôi dự định năm 2022 sẽ thành lập hợp tác xã sản xuất và thương mại. Trong đó, đối với sản xuất sẽ làm nông nghiệp hữu cơ. Chúng tôi sẽ chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho hội viên, cùng với đó, sẽ mở rộng lĩnh vực sang trồng rau sạch sử dụng phân bón hữu cơ từ bã thải nấm”, anh Tùng chia sẻ và cho biết nếu thực hiện được việc sản xuất, hợp tác xã sẽ bao tiêu luôn đầu ra cho cả sản phẩm rau và nấm, khép kín quy trình sản xuất từ gieo trồng đến thu hoạch, tiêu thụ, vừa tạo ra sản phẩm chất lượng cao vừa đảm bảo môi trường.