Đà Nẵng: Dự án nhà máy điện rác hơn 2.000 tỷ đồng thực hiện đến đâu? Đà Nẵng: 3 lần điều chỉnh, dự án Nhà máy điện rác quy mô hơn 2.000 tỷ có thành hình? |
UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt thông tin dự án đầu tư kinh doanh và bảng theo dõi tiến độ thực hiện các hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy xử lý chất thải đa năng.
TP. Đà Nẵng tìm nhà thầu đầu tư, xây dựng Nhà máy xử lý rác hiện đại (Ảnh:CTV) |
Dự án Nhà máy xử lý chất thải đa năng quy hoạch thuộc thửa đất số 02, tờ bản đồ địa chính số 132, khu vực bãi rác Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, có tổng diện tích đất thực hiện là 24.726 m2. Dự án được xây dựng nhằm tái chế tận thu và xử lý chất thải nguy hại. Tổng công suất xử lý chất thải dự kiến từ 136 – 461,4 tấn/ngày.
Tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án là hơn 164,45 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu (của nhà thầu đầu tư) đảm bảo tối thiểu 20% tổng chi phí thực hiện dự án (khoảng 32,89 tỷ đồng). Vốn huy động hợp pháp khác tối đa 80% tổng chi phí thực hiện dự án (khoảng 131,56 tỷ đồng).
Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày có quyết định chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án.
Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện trong 18 tháng kể từ phê duyệt danh mục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư có nhu cầu nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Trong trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên (đáp ứng yêu cầu của hồ sơ) thì tổ chức đấu thầu rộng rãi.
Các yêu cầu cơ bản trong dự án đầu tư kinh doanh nhà máy xử lý chất thải đa năng gồm: Công nghệ hoạt động của nhà máy phải là công nghệ tiên tiến, ưu việt, phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn của các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng. Các hạng mục lò đốt rác, xử lý khí thải, xử lý nước thải… phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.