Tiệm tạp hóa xanh “nói không” với rác thải nhựa
Nằm trên con đường Bà Huyện Thanh Quan (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng), tiệm tạp hóa No Waste To Go của chị Hồ Hoàng Oanh (SN 1985) có vẻ bên ngoài như một tiệm café nhỏ, không gian bày biện bắt mắt với hàng loại những chai lọ đựng hàng hóa được xếp ngay ngắn trên các kệ gỗ.
Tại tạp hóa No Waste To Go (Đà Nẵng), hơn 400 mặt hàng tiêu dùng đều được trong các bình thủy tinh, không sử dụng bao bì nhựa, túi nilon |
Là một người tích cực trong các hoạt động về môi trường, ngay từ khi còn là học sinh cấp 3, chị Oanh đã “từ chối” sử dụng các phương tiện cá nhân như xe máy (đưa đón) mà lựa chọn xe bus để đi học. Sau khi tốt nghiệp đại học (tại Singapore), trở về nước, chị Oanh bắt đầu hành trình lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường với việc tham gia nhiều dự án xử lý rác thải ở nhiều địa phương trong cả nước. Bản thân chị cũng là người có nhiều ý tưởng về các sản phẩm tái chế, sử dụng sản phẩm.
Năm 2019, chị Oanh quyết định khởi nghiệp với dự án “tạp hóa xanh” No Waste To Go – hướng đến không rác thải. Nghĩa trên mặt chữ, tất cả mọi hoạt động, sản phẩm trong tạp hóa đều “nói không” với rác thải nhựa, không sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, hướng đến mục đích giảm thải rác thải nhựa và dần góp phần thay đổi thói quen dùng túi nilon, đồ nhựa sử dụng một lần của người tiêu dùng.
No Waste To Go có khoảng hơn 400 sản phẩm, tập trung vào các ngành hàng thực phẩm (thực phẩm khô, thực phẩm chế biến, gia vị), hàng tiêu dùng thiết yếu (tinh dầu, nước rửa chén, nước lau sàn, nước giặt, dầu gội đầu, kem đánh răng, mỹ phẩm, bàn chài, đồ gia dụng) với mức giá bình dân, chất lượng tốt. Tất cả các sản phẩm đều là sản phẩm “xanh”, sản phẩm sạch, sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên….trong đó, phần lớn là sản phẩm handmade. Một trong những sản phẩm nổi bật của No Waste To Go là dầu gội đầu tự sản xuất với thành phần tự nhiên, được đóng gói dạng bánh xà phòng, bao bì là giấy. Ngoài ra, những sản phẩm chăm sóc da như kem dưỡng, dầu dưỡng… được nhập bán đã được tạp hóa lựa chọn với tiêu chí không độc hại, độ phân hủy sinh học cao, đặc biệt là không gây hại với sinh vật dưới nước.
Các sản phẩm không đựng trong bao bì nilon, mà được chứa trong các chai, lọ thủy tinh hoặc các can, thùng nhựa (ít và sử dụng nhiều lần) lớn.
Đến No Waste To Go, khách hàng được khuyến khích chỉ mua vừa đủ dùng, thậm chí gia vị có thể tính bằng số thìa, 10 gram hoặc 20 gram |
Mang theo đồ đựng hàng mua và chỉ mua vừa đủ
Khác với những tiệm tạp hóa khác, thực hiện mục tiêu tiệm “tạp hóa xanh”, No Waste To Go đưa ra tiêu chí mua bán rất “khác người” – khách đến mua hàng tự mang theo đồ để đựng sản phẩm.
Chị Oanh cho biết, thời gian đầu khi mới hoạt động khách hàng tại quán rất thưa thớt và cũng không quen với việc phải tự mang theo đồ đựng mang về. Chị Oanh đã tích cực tham gia các hội nhóm về môi trường, đưa sản phẩm và ý tưởng về tiệm “tạp hóa xanh” đến tham gia các phiên chợ. Dần dần, cửa hàng đón ngày càng nhiều khách hàng gồm cả những khách hàng từng mua trở thành khách quen và những khách hàng mới. Khách hàng của No Waste To Go có thể là người dân trong khu phố nhưng cũng có những khách đi hàng chục km để đến mua các mặt hàng tiêu dùng. Khách hàng cũng đã dần quen với việc mang theo những chai thủy tinh, lọ sạch, túi để đựng sản phẩm. Thậm chí, còn mang những chai, lọ thủy tinh không dùng đến “góp” với quán, để cho những khách hàng quên mang đồ đựng có thể lấy đựng sản phẩm mua mang về.
Một điểm đặc biệt nữa đó là khách hàng chỉ mua đúng số lạng (lượng) hàng hóa mình cần. Khách đến quán chỉ mua đúng số lạng, có thể chỉ là 1 hoặc 2 lạng, thậm chí những sản phẩm như gia vị số lượng sản phẩm mua có thể tính bằng số thìa, mua 10 gram hay 20 gram…, không mua nhiều, tránh sử dụng không hết sẽ lãng phí. Theo chị Oanh, các hệ thống mua sắm hiện đại thường khuyến khích mọi người mua sắm nhiều hơn so với nhu cầu. “Đây là những tác nhân khiến thế giới phải đối mặt với nhiều vấn đề như: rác thải đại dương, rác thải nhựa, mất cân bằng sinh thái. Ở No Waste To Go, chúng tôi chỉ khuyến khích mọi người tiêu dùng vừa phải, đúng mục đích. Mỗi người đều làm một việc nhỏ sẽ thành đóng góp lớn để giảm sức ép lên môi trường của trái đất”, chị Oanh nói và chia sẻ thêm “Lợi nhuận của No Waste To Go không tính bằng tiền, mà tính bằng những túi nilon giảm thiểu được. Trong một năm đầu tiên, No Waste To Go cắt giảm được 4.322 bao bì nhựa, túi ni-lon; đến năm thứ 2 chúng tôi giảm thêm được 10.800 vật phẩm bao bì nhựa, túi ni-lon. Và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”.
Tiệm "tạp hóa xanh" No Waste To Go dần trở thành điểm đến tiêu dùng quen thuộc của những người yêu môi trường, trong đó có nhiều khách quen là người nước ngoài sinh sống tại TP. Đà Nẵng |
Bà chủ nhỏ Hồ Hoàng Oanh của No Waste To Go đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ đưa mô hình “tạp hóa xanh” phổ biến ra rộng rãi nhiều hơn, để thêm nhiều người chung sức, đưa “tiêu dùng xanh” không chỉ là phong trào mà trở thành thói quen tiêu dùng thường ngày của nhiều người dân.