Chiều 5/6, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn “Đà Nẵng – Điểm đến tiềm năng châu Á” để xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực lĩnh vực hàng không, vũ trụ, logistics; giới thiệu năng lực hạ tầng của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng từ năm 2021 đến năm 2030.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 - Routes Asia 2022. Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện các hãng hàng không, lữ hành quốc tế, tập đoàn, hiệp hội du lịch.
Thành phố Đà Nẵng xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch, công nghiệp công nghệ cao, logistics đến các hãng hàng không, lữ hành quốc tế |
Theo ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, với lợi thế về cảng biển và sân bay quốc tế và hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch khá đồng bộ, môi trường du lịch được đảm bảo, thành phố Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ du lịch, đặc biệt là du lịch đẳng cấp, chất lượng cao.
Du lịch Đà Nẵng trước dịch Covid – 19 có những tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, giai đoạn 2010 – 2019, tốc độ tăng bình quân lượng khách quốc tế lên đến 28,45%/năm.
Sau khi bị chững lại bởi dịch Covid – 19, năm 2022 là năm khởi động cho du lịch quốc tế, vì vậy ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị nhiều kế hoạch cho du lịch phục hồi. Trong đó tiêu biểu nhất là sự kiện Routes Asia trong tháng 6/2022 “Việc khôi phục sớm các đường bay quốc tế sẽ giúp du lịch Đà Nẵng xúc tiến tổ chức sự kiện thuận lợi hơn rất nhiều. Thông qua các sự kiện lớn, thành phố Đà Nẵng kỳ vọng đón tiếp các đối tác du lịch quan trọng và thúc dãy trao đổi hàng không, đầu tư, thương mại”, ông Bình nói.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 17,63%/năm giai đoạn 2021 – 2030 đối với tăng trưởng khách do cơ sở lưu trú phục vụ; ngành du lịch Đà Nẵng đang tập trung vào các giải pháp như tăng cường xúc tiến quảng bá đến các thị trường quốc tế trọng điểm và truyền thống; khôi phục số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch; cơ cấu lại nguồn lực đầu tư theo hướng đầu tư có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng cao, khuyến khích các hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công – tư (PPP). Thành phố Đà Nẵng cũng ưu tiên kết nối trực tiếp với các điểm đến quốc tế thông qua cảng hàng không quốc tế. Tiếp tục cùng các địa phương trong vùng và doanh nghiệp du lịch kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh hoặc được áp dụng visa điện tử khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Thành phố Đà Nẵng đón các đoàn khách đến dự Diễn đàn phát triển đường bay Châu Á diễn ra tại thành phố từ 4 - 9/6 |
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng – ông Trần Phước Sơn cho biết, sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thành phố đang triển khai các giải pháp đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19. Hiện hoạt động du lịch Đà Nẵng đã có những dấu hiệu phục hồi khá tốt. Đà Nẵng đã kết nối mở lại 4 đường bay quốc tế trực tiếp đến thành phố. Bên cạnh đó, thành phố đang tích cực tổ chức các chương trình để khôi phục du lịch.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ngoài Du lịch, Đà Nẵng còn phát triển trên 2 trụ cột khác là công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; chú trọng 5 lĩnh vực mũi nhọn Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng: Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Nông nghiệp công nghệ cao va ngư nghiệp. Sắp tới, thành phố Đà Nẵng sẽ trình Trung ương xem xét đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. Chính phủ đã cho phép chủ trương Đà Nẵng thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; nghiên cứu Đề án hình thành khu phi thuế quan, nâng cấp nhà ga hành khách T1 – Cảng hàng không quốc tế…. Với những tiềm năng đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng mong muốn các nhà đầu tư sẽ tìm hiểu và xúc tiến cơ hội hợp tác, đầu tư vào thành phố.