Ông Trần Văn Vũ - Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết GRDP Đà Nẵng 2019 thấp nhất trong 7 năm trở lại đây |
GRDP Đà Nẵng 2019 thấp nhất trong khối thành phố trực thuộc trung ương
Tại buổi họp báo công bố báo cáo thống kê tình hình kinh tế xã hội TP. Đà Nẵng năm 2019 do Cục Thống kê thành phố tổ chức sáng 28/12, ông Trần Văn Vũ – Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết kết thúc năm 2019, GRDP Đà Nẵng đạt mức tăng 6,47%. Đây là mức tăng thấp nhất trong 7 năm trở lại đây (từ 2013 đến nay). Quy mô toàn nền kinh tế ước đạt hơn 109 nghìn tỷ đồng. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 95,7 triệu đồng/năm.
Cơ cấu giá trị tăng thêm có xu hướng dịch chuyển từ công nghiệp – xây dựng sang khu vực dịch vụ. Đây cũng là 2 lĩnh vực chiếm tỷ trọng chủ yếu trong giá trị tăng thêm của năm 2019. Cụ thể, khu vực dịch vụ chiếm 64,35% trong GRDP (năm 2018 là 63,21%), khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 22,41% trong GRDP (năm 2018 là 23,52%).
Với mức tăng 6,47%, Đà Nẵng là địa phương có tốc độ tăng GRDP thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương.
Ngoài thương mại – dịch vụ và thu hút đầu tư tăng trưởng tốt thì hầu hết các chỉ tiêu đặt ra cho năm 2019 không được TP. Đà Nẵng hoàn thành như công nghiệp – xây dựng tăng trưởng chậm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) thấp nhất trong giai đoạn 2016 – 2019. Điều này đã được lý giải bởi các nguyên nhân khách quan từ điều chỉnh quy hoạch và chiến lược thu hút đầu tư của Đà Nẵng. Đáng chú ý, dù chỉ số tiêu thụ tương đương năm 2018, nhưng chỉ số tồn kho, nhất là của ngành chế biến chế tạo lại có xu hướng tăng, chỉ số sử dụng lao động giảm tới 11,88% so với năm 2018. Xuất nhập khẩu cũng có một năm khó khăn, và kết thúc năm với tổng kim ngạch thương mại 2 chiều tương đương với năm 2018 và giữ được đà duy trì xuất siêu; độ mở của nền kinh tế năm 2019 ước đạt 63,96% - thấp nhất trong giai đoạn 2016 – 2019.
Thương mại đặt mục tiêu tăng trưởng 11,5 - 12% |
Theo ông Trần Văn Vũ, dù kinh tế Đà Nẵng năm 2019 tiếp tục tăng trưởng nhưng còn ở mức khiêm tốn và được đánh giá là thiếu bền vững. Để đạt tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 như mục tiêu Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng giao là 9%, TP. Đà Nẵng cần phải giải quyết nhiều thách thức của năm 2019 còn tồn tại như phải đẩy mạnh được tiến độ giải ngân đầu tư công, giải quyết được bài toán trì trệ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giải quyết các khó khăn về thị trường xuất khẩu….
Mục tiêu công nghiệp tăng 8 – 8,5%, thương mại tăng 11,5 – 12%
Tại kỳ họp lần thứ XII, Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016 – 2021 vừa kết thúc, HĐND TP. Đà Nẵng đã thống nhất giao chỉ tiêu GRDP thành phố năm 2020 tăng 9%. Và năm 2020 tiếp tục là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”.
Theo sở Kế hoạch & Đầu tư Đà Nẵng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng này, đối với ngành Công Thương, mục tiêu sẽ là tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2020 tăng 22,1% so với năm 2019, giá trị tăng thêm lĩnh vực bán lẻ tăng từ 11,5 – 12%. Đối với hoạt động công nghiệp, so với năm 2019, phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,7%; giá trị tăng thêm trong lĩnh vực công nghiệp tăng từ 8 – 8,5%.
Một số chỉ tiêu của Đà Nẵng năm 2020 đáng chú ý khác như doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch tăng 17 – 18% so với năm 2019, giá trị tăng thêm lĩnh vực du lịch đạt từ 10 – 10,5%; doanh thu dịch vụ thông tin & truyền thông tăng 12%, giá trị tăng thêm của lĩnh vực đạt 12,5 – 13%; giá trị tăng thêm trong lĩnh vực xây dựng đạt 7,5%; tổng vốn đầu tư công của Đà Nẵng năm 2020 là hơn 12.370 tỷ đồng; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt 60 – 65%.
Sản xuất công nghiệp Đà Nẵng 2020 hướng đến mục tiêu tăng trưởng 8 - 8,5% |
Ngoài các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cụ thể, để “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2020” đạt hiệu quả, TP. Đà Nẵng cũng sẽ hoàn thành và triển khai Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045; tập trung xúc tiến các dự án đầu tư trọng điểm tiến tới cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2020; hoàn thiện cơ sở hạ tầng kêu gọi đầu tư; hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục đầu tư; hỗ trợ hiệu quả cho các nhà đầu tư tại chỗ.