Tại TP. Đà Nẵng, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, do mưa lớn, mực nước trên sông Vu Gia và các sông đang lên nhanh. Mực nước lúc 7 giờ ngày 8/10 trên một số sông như sau: Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 9,02m - trên BĐ3: 0,02m; sông Cẩm Lệ tại Cẩm Lệ: 1,27m - trên BĐ1: 0,27m. Dự báo lũ trên các sông địa bàn TP. Đà Nẵng còn đang tiếp tục lên. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa bắc của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Nam Trung bộ và trường gió Đông nên tại TP. Đà Nẵng từ ngày 8 đến hết ngày 10/10 tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông.
|
Mưa lớn, nước sông dâng lên nhanh, nước trên đồi núi đổ xuống, gây ngập đường, tràn vào nhà dân. Ảnh tại thôn Trung Sơn, Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng |
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, sáng ngày 8/10, UBND TP. Đà Nẵng đã phát đi công điện về công tác phòng chống lũ, lũ quét và sạt lở đất. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các quy định, chỉ thị, phương án về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
UBND các quận, huyện khẩn trương triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét, sạt lở đất; khẩn trương triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân (chú ý các khu dân cư ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét), lưu ý đảm bảo thực hiện nghiêm các nội dung biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.
Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố triển khai phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn; bố trí đủ lực lượng, phương tiện tại các khu vực, địa bàn xung yếu, trọng điểm, chủ động ứng phó với mưa lũ.
Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh các trường trên địa bàn huyện Hòa Vang nghỉ học từ sáng ngày 8/10, các trường trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ nghỉ học từ trưa ngày 8/10.
Các đơn vị phụ trách các công trình đang thi công triển khai phương án phòng chống mưa lũ cho các công trình, triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy cho các khu dân cư đang thi công dở dang.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan tổ chức chằng chống cây xanh tránh ngã đổ; đảm bảo an toàn nhà ở, các khu chung cư; chỉ đạo khơi thông cống rãnh thoát nước, vận hành các trạm bơm chống ngập ở khu vực nội thành; chốt chặn ở những vị trí ngập sâu trên các tuyến đường lớn, tổ chức sắp xếp các phương tiện giao thông đang đậu đổ trên quốc lộ 1A đảm bảo an toàn và an ninh; tổ chức bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực trọng điểm, các khu vực sơ tán đi và đến; sẵn sàng phương án cấp cứu nạn nhân và phương án cấp cứu lưu động; chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và hóa chất cần thiết để xử lý môi trường sau thiên tai; theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa; vận hành đúng quy trình đã được phê duyệt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn công trình. Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ để có biện pháp xử lý an toàn về điện, kịp thời cắt điện ở những vùng bị ngập sâu.
Trong chiều 8/10, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng đã có quyết định cho học sinh, sinh viên trên toàn TP. Đà Nẵng nghỉ học đến hết ngày 10/10 để đảm bảo an toàn cho các em.
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương về tình hình mưa lũ tại TP. Đà Nẵng:
|
Ghi nhận tại địa bàn huyện Hòa Vang, mưa lớn đã khiến đất đá trên đồi núi sạt lở xuống một số vị trí tại đoạn đường liên huyện, liên xã đoạn nối từ đường Ngô Xuân Thu (Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng) đến các xã Hòa Liên, Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng). |
|
Mưa lớn liên tục khiến đường vào thôn Trường Định (Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng), hướng từ Ngô Xuân Thu xuống bị nước dâng cao ngang đầu gối, xe cộ không qua lại được. |
|
Nhiều hộ nuôi tôm tại xã Hòa Liên bất lực nhìn nước tràn qua bờ hồ khiến toàn bộ lượng tôm nuôi trong hồ bị nước cuốn đi |
|
Ông Nguyễn Đắc Phương (thôn Trường Định, Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết, gia đình ông nuôi 4 hồ tôm, bình thường mỗi hồ thì hơn 1 tấn, nhưng mùa mưa thì nuôi ít hơn. Năm nay mưa lớn đột biến nên không trở tay kịp, 5 tạ tôm chuẩn bị đến ngày thu hoạch coi như mất trắng. |
|
Ông Phương chèo xuồng trên các hồ tôm để vớt vát những con tôm còn sót lại ở hồ |
|
Đường vào thôn Trường Định bị nước ngập, các hồ nuôi tôm bị nước nhấn chìm nhìn từ trên cao |
|
Ở đường vào thôn Trường Định, chính quyền địa phương đã chăng dây để ngăn người dân và phương tiện di chuyển |
|
Mưa lớn, nước tràn vào nhà người dân tại thôn Trung Sơn (Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng) |
|
Cá biệt, do nước mưa từ trên núi đổ xuống nhanh, mạnh đã cô lập hoàn toàn thôn Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc, Hòa Vang, Đà Nẵng). Ở đường chính vào thôn vào lúc 11 giờ trưa ngày 8/10 ghi nhận nước đã ngập sâu, nơi sâu nhất ngang lưng eo người. |
|
Nước ngập nhấn chìm cột mốc tại đường vào thôn Lộc Mỹ (Hòa Bắc, Hòa Vang) |
|
Bà Lê Thị Thân (tổ 1, thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết, từ trưa chiều ngày 7/10, nước lên nhanh, các đường vào thôn bị ngập nước, người bên ngoài không thể vào bên trong thôn. Ảnh: Người dân bên trong thôn Lộc Mỹ nhìn ra |
|
Ông Lê Phan Tuấn – Đội trưởng đội quản lý đường dây điện lực Hòa Vang (PC Đà Nẵng) cho biết, do ảnh hưởng của mưa to và gió lớn, trong ngày 7 và 8/10, nhiều thôn trên địa bàn các xã thuộc huyện Hòa Vang bị mất điện cục bộ. “Ngay sau khi nhận thông tin phản ảnh, PC Hòa Vang đã đến hiện trường để khắc phục các sự cố. Đến sáng nay đã cơ bản khôi phục điện cho các nơi bị mất điện cục bộ như các thôn Tà Lang – Giàn bí (Hòa Bắc), Hòa Bắc 4, một số thôn của Hòa Phú… Còn riêng thôn Lộc Mỹ (Hòa Bắc, Hòa Vang, Đà Nẵng) do nước cô lập nên lực lượng đang tiếp cận để nắm tình hình và sẽ cố gắng khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất”, ông Tuấn cho hay. |