Chợ truyền thống lưa thưa khách do ca mắc Covid – 19 tăng cao
Số ca mắc Covid – 19 tại TP. Đà Nẵng trong những ngày qua liên tục tăng vọt kỉ lục. Trong ngày 15/1, thành phố ghi nhận 874 ca mắc Covid – 19, trong đó có tới 617 ca cộng đồng. Số ca mắc tăng cao, nhiều chợ có tiểu thương là F0, trong đó, riêng chợ Cồn phải tạm dừng hoạt động từ ngày 12 – 14/1 để tiêu độc khử trùng chợ và xét nghiệm cho tiểu thương. Dịch Covid – 19 cũng khiến các chợ thưa vắng khách dù đang là mùa cao điểm hàng Tết.
Sau 3 ngày tạm dừng hoạt động, từ ngày 15/1, chợ Cồn (Hải Châu, Đà Nẵng) đã đảm bảo an toàn và mở cửa trở lại phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân |
Ngày 15/1, chợ Cồn (Hải Châu, Đà Nẵng) hoạt động trở lại. Ông Nguyễn Đắc Hùng – Trưởng BQL chợ cho biết, trong ngày, có khoảng hơn 500 hộ tiểu thương đi bán (chiếm khoảng gần 30% số tiểu thương tại chợ). Các tiểu thương và người giúp việc (phụ bán hàng) khi đi bán trở lại bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid – 19 trong vòng 72 giờ. Người dân vào chợ mua bán ngoài thực hiện nghiệm 5K, còn phải thực hiện khai báo y tế qua ứng dụng PC Covid hoặc ứng dụng Đà Nẵng smart city.
Do phải tạm đóng cửa và lo ngại chợ có nhiều ca mắc Covid – 19, lượt người đến chợ mua sắm giảm mạnh, tiểu thương đi bán trong tâm trạng thấp thỏm lo lắng cho hàng hóa Tết.
Bà Nguyễn Thị Tố Nga – quầy hàng đặc sản Tý Dưỡng (kiot 36HV – chợ Cồn) cho biết, năm nay, bà chỉ nhập hàng Tết bằng khoảng 30% so với mọi năm, những ngày trước khi số ca mắc Covid – 19 tăng mạnh, lượng khách đến chợ đã tăng nên tiểu thương rất phấn khởi, nhưng chỉ được một vài hôm thì chợ bùng phát dịch. “Đã bắt đầu mùa cao điểm hàng Tết mà số ca tăng, tiểu thương chúng tôi cũng rất lo lắng. Khách đến chợ ít hẳn, dù các biện pháp chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt, chợ cũng đã mở cửa lại an toàn nhưng người dân vẫn e ngại đến chợ”, bà Nga cho hay.
Nhiều tiểu thương lo lắng sẽ phải trải qua một mùa hàng Tết ảm đạm khi số ca mắc Covid - 19 tại TP. Đà Nẵng vẫn đang cao kỷ lục qua mỗi ngày |
Như mọi năm, ở thời điểm hiện tại, khu vực nhà lồng bán quần áo, giày dép và phụ kiện tại chợ Cồn rất đông đúc, nhộn nhịp, nhưng hiện tại lại vắng khách. Bà Lê Thị Tức – tiểu thương ngành hàng quần áo chợ Cồn cho biết các tiểu thương ngành hàng quần áo đang thấp thỏm vì không có khách. “Đi bán một phần phải lo đảm bảo an toàn chống dịch, lại lo không có khách. Như ngày hôm nay chợ mở cửa nhưng hầu như mọi người bán ngồi không vì không có khách”, bà Tức nói.
Mở chợ an toàn để người dân mua sắm Tết
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid – 19 TP. Đà Nẵng tối 13/1, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – bà Ngô Thị Kim Yến chỉ đạo ngành Công Thương phải bảo vệ các chợ trước dịch bệnh để phục vụ người dân mua sắm Tết Nguyên đán.
Ông Đàm Văn Tẩu – Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng (thuộc Sở Công Thương Đà Nẵng) cho biết, để đảm bảo phục vụ người dân mua sắm tại chợ được an toàn, ngoài việc yêu cầu tiểu thương, người giúp việc, người dân đến mua bán phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, các chợ trực thuộc (4 chợ loại 1 gồm chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường) chủ động lạc việc với ngành y tế quận Hải Châu và các phường nơi đặt chợ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid – 19 tại chợ để sàng lọc F0.
“Đối với các chợ có ca mắc Covid – 19 sẽ thực hiện khoanh vùng hẹp theo khu vực có F0 để phun khử khuẩn, còn lại các khu vực khác vẫn hoạt động bình thường để phục vụ người dân, nhất là dịp Tết. Trừ trường hợp chợ nhiều F0 phải tạm dừng hoạt động trong thời gian ngắn để phun khử khuẩn và có thời gian cho tiểu thương đi xét nghiệm”, ông Tẩu khẳng định.
Ngoài siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid - 19, thì ý thức của người dân trong phòng chống dịch mang ý nghĩa quyết định để chợ truyền thống có thể hoạt động an toàn |
“Mặc dù tiểu thương chịu phí xét nghiệm nhưng chúng tôi tình nguyện để đảm bảo an toàn cho bản thân và khách hàng. Tiểu thương đề xuất và mong muốn sẽ được lấy mẫu xét nghiệm lưu động ngay tại chợ thay vì phải đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện, để thuận lợi cho việc buôn bán cũng như di chuyển”, tiểu thương Khuất Thị Hiền Quyên – quầy hàng nem chả Hường Na (lô 36, đình 7, chợ Cồn) bày tỏ.
Ông Nguyễn Đình Mâng – Trưởng BQL các chợ Ngũ Hành Sơn cho biết đến thời điểm hiện tại tất cả các chợ trên địa bàn quận đều mở cửa (trừ chợ Non Nước sẽ hoạt động lại vào ngày mai (16/1) với tần suất tối đa 50% tiểu thương đi bán do nằm trong vùng dịch cấp độ 4). Theo ông Mâng, ngoài kiểm soát chặt việc thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định, các chợ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và tiểu thương tự ý thức bảo vệ chính mình. “Hiện chúng ta đang ở trạng thái thích ứng linh hoạt, hiệu quả và an toàn với dịch Covid – 19, vì vậy ý thức của người dân có ý nghĩa quyết định đến việc chợ có hoạt động an toàn hay không”, ông Mâng nhấn mạnh.
Ông Đàm Văn Tẩu – Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng đề nghị các địa phương nơi đặt chợ thực hiện hiệu quả xử lý không cho buôn bán tụ tập hàng rong trái phép trên các lòng lề đường vỉa hè xung quanh chợ. Trên địa bàn có tình trạng người dân không muốn vào chợ mua bán mà tụ tập mua bán đông đúc ở vỉa vè lòng đường vì khi vào chợ phải quét QRCord khai báo y tế; trong lúc ở ngoài đường bán hàng trái phép hàng rong quá nhiều không ai quản lý, lại không bị quét QRCORD…, chính điều này đã làm lây lan dịch bệnh nhanh chóng, khó kiểm soát, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động chợ. |