Đà Nẵng: Chuyển đổi số trong dịch vụ công để xây dựng hệ sinh thái đô thị xanh, bền vững Doanh nghiệp cơ khí Đà Nẵng hướng tới phát triển xanh, hiện đại, minh bạch |
Doanh nghiệp sản xuất Đà Nẵng chuyển đổi số hướng đến nhà máy thông minh
Chuyển đổi số trong sản xuất tại TP. Đà Nẵng đang diễn ra mạnh mẽ không chỉ ở trong khối các doanh nghiệp lớn mà cả ở những doanh nghiệp nhỏ. “Trợ lực” cho doanh nghiệp, TP. Đà Nẵng đang xây dựng đề án hỗ trợ sản xuất thông minh cho doanh nghiệp; và hỗ trợ chuyển đổi số cho cơ sở sản xuất nhỏ, vừa trên địa bàn. |
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất Đà Nẵng: Tăng cả lượng và chất
Sự phát triển của công nghệ số đã thay đổi cục diện kinh tế toàn cầu. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ người sử dụng internet ở Việt Nam ước đạt 78,1%. Công nghệ số, internet phát triển đã “xóa” đi khoảng cách về địa lý trong giao dịch, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở thương mại cao nhất trên thế giới khi tham gia hàng loạt công ước quốc tế, tham gia ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và kiên định chủ nghĩa đa phương trong hợp tác kinh tế quốc tế. Những yếu tố này mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp sản xuất Việt Nam tiếp cận được thị trường tiêu thụ khổng lồ, có lợi thế lớn từ ưu đãi thuế quan trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP. Nhưng đồng thời, với gần 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thì nền kinh tế mở cũng đặt ra thách thức không kém. Và nếu không theo kịp các tiêu chuẩn chung, doanh nghiệp Việt Nam có thể “thua ngay chính trên sân nhà”. |
Ý thức được điều này, trong những năm gần đây, doanh nghiệp sản xuất tại TP. Đà Nẵng đã tích cực chuyển đổi số để “rút ngắn” khoảng cách với đối tác, minh bạch và tối ưu hóa quá trình sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Trong đó, tiên phong đi đầu là những doanh nghiệp lớn. Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC, Khu Công nghiệp Liên Chiểu) là một doanh nghiệp lớn tại TP. Đà Nẵng. Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt – Tổng giám đốc công ty cho biết, chuyển đổi số là chiến lược phát triển mà mỗi doanh nghiệp phải có trong lộ trình phát triển. Không “số hóa” doanh nghiệp sẽ đi lùi, đồng nghĩa với việc sẽ bị đào thải. “Hiện đại hóa quá trình sản xuất là yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp. Vì vậy, DRC luôn chú trọng tối ưu hóa sản xuất thông qua đầu tư chuyển đổi số. Đến nay, chúng tôi đã có văn phòng số, quản trị số, sản phẩm số và bán hàng số”, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt thông tin. |
Không chỉ ở các công ty lớn, chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Ông Huỳnh Văn Phi – Giám đốc Công ty CP Thiết kế mỹ thuật PAD (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cho biết, doanh nghiệp đã thực hiện quản lý, giao việc trên ứng dụng số được 2 năm. Theo ông Phi, xu hướng hiện nay các đối tác lựa chọn đối tác hợp tác dựa trên tiêu chí xanh – số. “Nhiều đối tác có xu hướng hạn chế đến tận cơ sở sản xuất, nhà máy, họ chỉ đến khảo sát hoặc tìm hiểu làm việc trực tuyến rồi mới đến khảo sát. Sau khi hợp tác, các đối tác sẽ theo dõi tiến độ công việc trên server. Tất cả các khâu như tìm hiểu đơn hàng, xác nhận đơn hàng đều trực tuyến. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không chuyển đổi số sẽ có nguy cơ bị mất bạn hàng, đối tác”, ông Huỳnh Văn Phi chia sẻ. Cũng là doanh nghiệp nhỏ, Công ty TNHH Minh Thịnh Lợi (quận Ngũ Hành Sơn) đã đầu tư nhiều nguồn lực để chuyển đổi số. “Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số là công cụ để doanh nghiệp vận hành, tối ưu hóa sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Vì vậy, dù khó khăn, doanh nghiệp vẫn ưu tiên dành nguồn lực đổi mới máy móc thiết bị và chuyển đổi số trong quản trị và vận hành sản xuất”, ông Nguyễn Thanh Minh – Giám đốc công ty cho hay. |
Hướng tới nhà máy thông minh – Chìa khóa cho ngành công nghiệp 4.0
Nhà máy thông minh (Smart Factory) là khái niệm để chỉ cơ sở sản xuất được số hóa và có tính kết nối cao dựa vào sản xuất thông minh. Nếu CMCN 3.0 lấy tự động hóa là chìa khóa gia tăng hiệu quả sản xuất, giải phóng sức lao động thông qua việc cải tiến máy móc (kỹ thuật số) theo hướng tự động; thì ở CMCN 4.0, nhà máy thông minh chính là chìa khóa cho doanh nghiệp sản xuất đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn sản xuất, sản phẩm; là thước đo mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp. Tại TP. Đà Nẵng, đã manh nha xuất hiện những doanh nghiệp đầu tư chuyển dần từ tự động hóa sang sản xuất thông minh. Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong cách mạng công nghiệp 4.0 khi ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất từ rất sớm, đến nay, mọi hoạt động điều hành, quản lý sản xuất tại Công ty CP Việt Séc (Khu Công nghiệp Hòa Cầm) đều được thực hiện qua các phần mềm, ứng dụng số. “Hiện nay tất cả các khâu sản xuất, chấm công đều đã được “số hóa” thông qua các phần mềm theo dõi. Khối lượng thành phẩm ở trong ngày là bao nhiêu, tiến độ ở từng giờ như thế nào đều được cập nhật qua các ứng dụng số.”, ông Phan Thanh Minh – Phó Giám đốc công ty nói và cho biết, đến thời điểm hiện tại công ty đã chi hàng chục tỷ để “số hóa” nhà máy và hiện đã phát huy hiệu quả “Từ các phần mềm này, lãnh đạo công ty cũng như phía đối tác có thể nắm bắt cập thật số liệu thực về tiến độ sản xuất, thi công ở bất kì thời điểm này, và ở bất kỳ đâu. Từ đó kịp thời có điều chỉnh hoặc có kế hoạch triển khai tiếp theo”. |
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, năm 2023, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng phối hợp với Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam triển khai dự án phát triển nhà máy thông minh tại TP. Đà Nẵng. Các doanh nghiệp được lựa chọn hỗ trợ xây dựng nhà máy thông minh sẽ được các chính các chuyên gia Samsung đến tận nơi khảo sát, đánh giá thực trạng, từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nhân lực vận hành nhà máy thông minh, tư vấn thiết lập nhà máy thông minh thông qua các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số, tối ưu hóa các quy trình, công đoạn sản xuất. Là đại diện một trong 2 đơn vị được thụ hưởng hỗ trợ từ chương trình năm 2023, ông Hà Ngọc Thống – Giám đốc Công ty TNHH Bao Bì Tân Long (Khu Công nghiệp Hòa Khánh) cho biết, từ đánh giá ban đầu nhà máy chỉ đạt 0,9/5 điểm của một nhà máy thông minh, qua hơn 3 tháng được sự hỗ trợ từ chương trình, đến thời điểm kết thúc đợt đào tạo và hỗ trợ, nhà máy đã đạt 2,8/5 điểm. “Từ sự hỗ trợ của dự án đã giúp Công ty vận hành dây chuyền hộp màu theo thời gian thực, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng từ sự hỗ trợ đào tạo từ chương trình, đến nay, chúng tôi đã có một số chuyên viên hiểu các xây dựng các hạng mục thiết yếu để xây dựng nhà máy thông minh cho các dây chuyền khác”, đại diện Công ty Tân Long chia sẻ. |
Năm 2024, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng và các đơn vị phối hợp đã tiếp tục lựa chọn và có 3 doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng được hỗ trợ tư vấn xây dựng nhà máy thông minh. Trong đó có Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Theo ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, chuyển đổi số, đưa các nhà máy sản xuất từ tự động, bán tự động lên nhà máy thông minh (số hóa toàn bộ quy trình: quản trị, điều hành, vận hành, bán hàng…) là chủ trương bắt buộc. |
Đại diện DRC cho biết, dự kiến năm 2025, đơn vị sẽ đầu tư nhà máy số, nhà máy thông minh – đây là hạng mục lớn nhất, cần nhiều nguồn lực nhất và cũng quan trọng nhất để hoàn thành quá trình doanh nghiệp sản xuất số tại công ty. “Nguồn lực cho hạng mục này là rất lớn, nhưng chúng tôi vẫn chắc chắn đầu tư, bởi nhà máy số, nhà máy thông minh là yếu tố quyết định tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa, số hóa như hiện nay”, Tổng giám đốc DRC nói. |
Đà Nẵng sẽ có chính sách “trợ lực” cho doanh nghiệp chuyển đổi số
Theo Đề án chuyển đổi số trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, có tối thiểu 80% doanh nghiệp có sử dụng dữ liệu số, công nghệ số trong hoạt động quản lý; có tối thiểu 50% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sử dụng dữ liệu số, công nghệ số trong sản xuất. Đến năm 2030, tối thiểu 90% doanh nghiệp có sử dụng dữ liệu số, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý; 70% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có sử dụng dữ liệu số, công nghệ số trong sản xuất. Để hoàn thành các mục tiêu này, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp rất cần “trợ lực” từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. “Công ty Minh Thịnh Lợi sẵn sàng dành nguồn lực cho chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về hướng và phương án chuyển đổi số phù hợp với quy mô, loại hình sản xuất. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn sẽ có sự đồng hành từ phía các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động chuyển đổi số. Đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa để chúng tôi có động lực cũng như tự tin hơn đầu tư cho chuyển đổi số”, ông Nguyễn Thanh Minh – Giám đốc Công ty TNHH Minh Thịnh Lợi bày tỏ. |
Theo ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, kinh tế số đang dần trở thành hướng chủ đạo của phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày sâu rộng vào kinh tế thế giới. Chuyển đổi số, đối với doanh nghiệp là quá trình thay đổi về tư duy, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số để cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng doanh thu và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Những ứng dụng công nghệ số phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu trong việc thu thập, phân tích dữ liệu, tự động hóa các quy trình kinh doanh, quản lý,… có thể nhắc đến như: Các phần mềm, hệ thống thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), IoT (Internet vạn vật), điện toán đám mây… Cũng theo ông Nguyễn Văn Trừ, thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng nhà máy thông minh là nhiệm vụ chiến lược quan trọng để TP. Đà Nẵng tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cũng như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những nỗ lực này nằm trong chiến lược xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, với tầm nhìn đến năm 2045. Trong những năm qua, Đà Nẵng đã không ngừng đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế số, đặc biệt là việc thí điểm mô hình nhà máy thông minh. Thành phố cũng ban hành nhiều nghị quyết, đề án để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Trong năm 2023, Sở Công Thương phối hợp với Samsung Việt Nam hỗ trợ, tư vấn cải tiên mô hình sản xuất theo hướng nhà máy thông minh cho 2 doanh nghiệp cho kết quả rất đáng khích lệ khi các đơn vị thụ hưởng nâng cao hiệu suất sản xuất và khả năng cạnh tranh. “Năm 2024, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 3 doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, phát triển nhà máy thông minh. Sở Công Thương kỳ vọng các doanh nghiệp được hỗ trợ sẽ tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số vào trong quản lý và điều hành sản xuất, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của thành phố, từ đó, tăng lợi thế cạnh tranh tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Trừ nói. |
Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất, nhất là cơ sở sản xuất, hộ sản xuất nhỏ, các hợp tác xã trong chuyển đổi số, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, hiện sở đang triển xây dựng 2 đề án trình UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt gồm, Đề án hỗ trợ sản xuất thông minh cho các doanh nghiệp; và Đề án hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố. “Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số cũng như xây dựng các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số để đồng hành, tiếp sức cho doanh nghiệp Đà Nẵng, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa tự tin hơn cho kế hoạch dài hơn về chuyển đổi số, xây dựng nhà máy thông minh, nhà máy hợp chuẩn”, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Trừ nói. |
Năm 2023 kinh tế số đóng góp 20,7% GRDP TP. Đà Nẵng (vượt mục tiêu năm 2025 là 20%), có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (cao gấp 3 lần tỷ lệ trung bình cả nước). Theo Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg của TTCP, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm khoảng 35 – 40% Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi |
Bài và ảnh: Vũ Lê |