Chủ động đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ nhưng còn gặp nhiều khó khăn
Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP. Đà Nẵng ngoài chú trọng sản xuất đã ngày càng có ý thức chủ động trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, việc thực hiện đăng ký còn gặp nhiều khó khăn.
Công ty TNHH Công nghệ sinh học Vinseed Đà Nẵng đã chủ động đăng ký bảo hộ sở hữu nhãn hiệu Dr.Trung cho sản phẩm đông trùng hạ thảo |
Là một đơn vị khởi nghiệp với sản phẩm đông trùng hạ thảo, ngay khi sản phẩm ra thị trường, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Vinseed (Hòa Xuân, Cẩm Lệ) đã chủ động thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu Dr.Trung cho nhóm các sản phẩm của công ty. “Chúng tôi ý thức được vai trò của việc bảo hộ nhãn hiệu vì vậy đã chủ động tìm hiểu để đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu Dr.Trung”, ông Nguyễn Thiện Khiêm – Phó Giám đốc Công ty nói và cho biết, quá trình thực hiện, đơn vị gặp nhiều khó khăn như không biết liên hệ với ai, làm kiểu mẫu bị sai, có thuê đơn vị tư vấn nhưng cũng không đến nơi đến chốn. “Lần đăng ký đầu tiên đơn vị bị từ chối do có 1 đơn vị khác cũng đăng ký tên nhãn hiệu tương tự cho sản phẩm nấm. Sau khi bị trả hồ sơ, đơn vị đã thuê công ty dịch vụ bên ngoài để thực hiện và đã đăng ký sở hữu thành công nhãn hiệu Dr.Trung cho sản phẩm đông trùng hạ thảo”, ông Khiêm cho hay.
Cơ sở sản xuất bánh ngọt Mỹ Phương - Mỹ Phương Foods (Hòa An, Cẩm Lệ) là đơn vị sản xuất bánh dừa nướng uy tín với thương hiệu “Topcoco”, sản phẩm đã xuất khẩu đi một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, tại thị trường trong nước, sản phẩm cũng có độ phủ rộng trên toàn quốc, đặc biệt là tại thị trường phía Bắc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đơn vị vẫn chưa đăng ký thành công bảo hộ sở hữu trí tuệ cho thương hiệu này.
Là đơn vị có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ Phương Foods (Đà Nẵng) vẫn còn gặp khó trong đăng ký sở hữu nhãn hiệu sản phẩm |
Bà Mai Thị Ý Nhi – Chủ cơ sở sản xuất cho biết đơn vị rất mong muốn thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu “Topcoco” cho sản phẩm bánh dừa nướng. “Chúng tôi cũng đã thuê tới 2 đơn vị để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu Topcoco nhưng khi gửi ra Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) vẫn bị trả hồ sơ chưa thực hiện được”, bà Nhi chia sẻ và cho biết, hiện đơn vị đang nhận được hỗ trợ từ Sở Công Thương thành phố về đăng ký chứng nhận ISO, sang năm 2022, Sở sẽ hỗ trợ đơn vị thực hiện các thủ tục để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm bánh dừa.
Hỗ trợ ít nhất 90% các sản phẩm OCOP đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Theo Sở Khoa học & Công nghệ TP. Đà Nẵng, tính đến tháng 11/2021, thành phố có 4.064 văn bằng được cấp về hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, gồm 3.969 nhãn hiệu, 54 sáng chế và 119 kiểu dáng công nghiệp. Trong đó, có 27 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thương mại đặc trưng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Mới đây nhất, hồi tháng 11/2021, 5 sản phẩm trên địa bàn huyện Hòa Vang gồm Bưởi da xanh Hòa Ninh, Chè dây Hòa Bắc, Bánh khô mè Quang Châu, Bánh tráng Túy Loan, Kiệu hương Hòa Nhơn đã nhận giấy đăng ký nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ cấp.
Để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, theo Nghị quyết 324 của HĐND TP. Đà Nẵng về chính sách hỗ trợ khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch trên địa bàn TP. Đà Nẵng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể được hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu (không quá 2 lần hỗ trợ/đơn vị) với số tiền hỗ trợ lên đến 35 triệu đồng.
TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, trên 90% sản phẩm OCOP được hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ |
Cùng với đó, trong chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố đến năm 2025, TP. Đà Nẵng dành tới hơn 20 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ như hỗ trợ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu (dự kiến 30 sản phẩm/năm), hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong nước đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm OCOP, …
Mục tiêu đến năm 2025, TP. Đà Nẵng sẽ hỗ trợ đăng ký bảo hộ ít nhất 120 đối tượng sở hữu trí tuệ, bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng cho các sản phẩm trên địa bàn thành phố; hỗ trợ ít nhất 50% sản phẩm OCOP, sản phẩm của doanh nghiệp khoa học & công nghệ, sản phẩm thương mại đặc trưng Đà Nẵng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã, làng nghề được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, mã số, mã vạch; số lượng đơn đăng ký, văn bằng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu,… giai đoạn 2021 – 2025 tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2016 – 202o; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 10%/năm trong giai đoạn 2021 – 2025.
Đến năm 2030, sẽ có trên 90% sản phẩm OCOP, sản phẩm khoa học & công nghệ, sản phẩm thương mại đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ… được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, mã số, mã vạch; tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt ít nhất 10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ. Giai đoạn 2025 – 2030 số lượng đơn đăng ký, văn bằng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu…tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2021 – 2025.