Đà Nẵng: 152 doanh nghiệp “chây ì”, nợ bảo hiểm xã hội hơn 86 tỷ đồng Nhiều hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bị phát hiện qua thanh tra |
Theo Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng, tính đến hết tháng 9/2023, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố là hơn 221,5 tỷ đồng, chưa tính lãi chậm đóng gần 64,78 tỷ đồng.
Nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến hết tháng 9/2023 là hơn 221,5 tỷ đồng |
Bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó khăn sau dịch Covid – 19, thì vẫn còn một số đơn vị tránh né tham gia bảo hiểm xã hội, để nợ kéo dài. Một số chủ sử dụng lao động dù đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần nhưng vẫn tái diễn vi phạm.
Theo ông Nguyễn Văn Tiết – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Đà Nẵng, thời gian qua, đơn vị đã thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ chậm đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều đơn vị chây ì, tìm cách né tránh tham gia bảo hiểm xã hội. “Chúng tôi đã thực hiện tất cả những biệp pháp mà luật pháp cho phép để thu hồi nợ bảo hiểm xã hội như: Chậm nộp bảo hiểm xã hội sẽ bị tính lãi suất gấp 2 lần lãi tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng ở thời điểm chậm đóng; thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính,… nhưng nợ bảo hiểm vẫn kéo dài”, ông Tiết nói.
Đại diện bảo hiểm xã hội Đà Nẵng cho biết, thực tế thu hồi nợ kéo dài rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội vẫn dây dưa. Kể cả nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm triệu đồng, hay cưỡng chế tài khoản ngân hàng. “Hiện nay các ngân hàng điều chấp nhận cho bảo hiểm xã hội thông báo tài khoản của các đơn vị nợ kéo dài để trừ trực tiếp trên tài khoản. Nhưng thực tế, hầu hết các ngân hàng báo về là tài khoản của các đơn vị nợ này số dư là ... 0 đồng”, ông Tiết thông tin và cho biết, Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng sẽ tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở doanh nghiệp, đơn vị trích nộp bảo hiểm theo quy định; đẩy mạnh triển khai hoạt động của Tổ thu nợ liên ngành; công khai danh sách các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu trốn đóng, chậm đóng và xử lý nghiêm các trường hợp này để bảo đảm quyền lợi người lao động; tăng cường theo dõi cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức khấu trừ tiền gửi của tổ chức vi phạm…