Ông Lương Ngọc An (Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) bày tỏ e ngại công nghệ của nhà máy đốt rác phát điện trong dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn và thắc mắc nếu nhà máy đi vào hoạt động mà xảy ra sự cố môi trường thì ai sẽ chịu trách nhiệm. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tượng (Tổ 23, Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu) đề nghị chính quyền thành phố cho biết sẽ sử dụng công nghệ nào cho nhà máy đốt rác, dự án này khi nào xây dựng xong và đưa vào hoạt động, công suất xử lý được bao nhiêu %, khi đi vào hoạt động có cam kết hết ô nhiễm hay không.
Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đà Nẵng nhận được sự quan tâm lớn của người dân Đà Nẵng |
Còn ông Lê Thanh Tĩnh (Hòa Xuân, Cẩm Lệ) lại đặt vấn đề ô nhiễm khi xây dựng trạm chung chuyển rác thải. “Do ô nhiễm Đà Nẵng đã đóng bớt trạm trung chuyển, nhưng gần đây lại khởi động xây dựng thêm. Vậy các trạm trung chuyển mới có gây ô nhiễm hay không, xây dựng làm sao để không gây ô nhiễm?”, ông Tĩnh hỏi.
Trả lời câu hỏi của các cử tri, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho biết, thành phố đã thống nhất cho công ty CP Môi trường Đô thị Việt Nam tái khởi động lại nhà máy đốt rác với công suất thiết kế 1.000 tấn/ngày (giai đoạn đầu sẽ là 650 tấn/ngày) với điều kiện đơn vị này phải đổi mới công nghệ đốt rác. Hiện công nghệ đốt rác đã được trình Bộ Tài nguyên & Môi trường thẩm định, trên kết quả thẩm định đó, thành phố Đà Nẵng mới quyết định. Yêu cầu chung công nghệ của nhà máy đốt rác là phải có xuất xứ từ Châu Âu hoặc các nước tiên tiến. Hiện đã có hơn 40 nhà đầu tư đề xuất công nghệ cho dự án.
Đối với việc xây dựng trạm trung chuyển, ông Hùng cam kết trạm trung chuyển được xây dựng đảm bảo hiện đại, công suất khoảng 500 tấn, thực hiện ép rác đứng, khắc phục hoàn toàn tình trạng nước rỉ rác từ xe rác chảy xuống đường trong quá trình vận chuyển về bãi rác. Ông Hùng cũng mong muốn người dân thành phố thực hiện phân loại rác tại nguồn. Hiện Đà Nẵng đang phân rác thành 3 loại: Rác tài nguyên (có thể tái sử dụng), rác còn lại (không tái chế), rác nguy hại (có nơi thu gom riêng). “Chỉ cần tách được rác tài nguyên có thể giảm được 12 – 15% rác cho thành phố, tiết kiệm hàng triệu USD mỗi năm”, ông Hùng nói.
Bên cạnh những câu hỏi về xử lý rác là những bức xúc liên quan đến ô nhiễm biển do nước thải. Ông Huỳnh Văn Nên (An Hải Tây, Sơn Trà) đặt câu hỏi khi nào xử lý dứt điểm nước thải tràn ra biển, bởi hiện tại người dân tắm biển vẫn thấy nước đen ngòm, có mùi hôi.
Còn ông Nguyễn Văn Đích (Mỹ An, Ngũ Hành Sơn) thì phản ánh nhiều nhà hàng quán ăn xả nước thải trực tiếp ra cống, dội trực tiếp ra đường. Khi mưa to có mùi hôi thối bốc lên. Làm sao để xử lý nghiêm những vi phạm nói trên khi ngày càng có nhiều nhà hàng khách sạn mọc lên ở khu dân cư,
Còn ông Nguyễn Thành Tiến – Ban Đô thị HĐND TP. Đà Nẵng thì đề nghị Sở Tài nguyên & Môi trường đẩy mạnh rà soát, hướng dẫn cho các nhà hàng, khách sạn đấu nối, xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường.
Giải trình vấn đề này, ông Tô Văn Hùng cho rằng chừng nào 2 dự án cải thiện môi trường nước phía Đông Đà Nẵng chưa đi vào vận hành thì khu vực này vẫn còn ô nhiễm. Trong lúc chờ 2 dự án hoàn thành, Sở đã vận dụng nhiều giải pháp để giảm ô nhiễm như nạo vét, kiểm tra việc xả thải của các nhà hàng, khách sạn. Kết quả cho thấy lượng rác và lượng mỡ chảy ra cống thải đã giảm hơn 50%. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết, 2 dự án cải thiện môi trường nước khi đi vào vận hành sẽ khắc phục được tình trạng ô nhiễm biển, nhưng không có nghĩa là không còn tình trạng nước mưa tràn ra biển mỗi lần trời mưa, bởi hệ thống vẫn còn tồn tại nhiều cửa xả ra biển.
Bổ sung thêm câu trả lời, bà Trần Thị Thanh Tâm – Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết thời gian qua quận đã quyết liệt tháo dỡ các nhà hàng, quán tạm và kiểm tra các cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú. Đã tiến hành kiểm tra 117 cơ sở, phát hiện xử lý 6 trường hợp không có hồ sơ bảo vệ môi trường (các đơn vị này đã bổ sung khắc phục), 45/117 trường hợp có thực hện đấu nối vào hệ thống xả, 42 trường hợp không có bể cách mỡ.
Ô nhiễm do rác và nước thải sinh hoạt là 2 vấn đề nóng luôn xuất hiện trong các buổi tiếp xúc, làm việc với cử tri, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Đà Nẵng vẫn chưa xử lý, khắc phục được |
Vấn đề quản lý, sử dụng đất rẻo cũng được cử tri đặt câu hỏi. Ông Phạm Lai (An Khê, Thanh Khê) đặt câu hỏi làm sao sử dụng đất rẻo hiệu quả. Trong khi quy trình giải quyết hồ sơ đất rẻo quá rườm rà.
Trả lời cử tri, ông Tô Văn Hùng thừa nhận đã có một thời gian việc quản lý đất đai tại Đà Nẵng chưa chặt chẽ. Đặc biệt là một số thửa đất hình thành trong quá trình đô thị hóa dân chuyển đất vườn sang đất ở, đất nông nghiệp sang đất ở…, quá trình bàn giao đất của các ban quản lý dự án. “Có những lô đất chỉ có dân biết, còn cơ quan quản lý, địa chính phường cũng không biết được. Vấn đề là không thể thống kê hết được tất cả các đất rẻo, trong khi các văn bản hướng dẫn xử lý hiện còn nhiều bất cập, chưa xử lý được”.
Không đồng tình với câu trả lời này, ông Nguyễn Nho Trung – Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng đặt câu hỏi Sở Tài nguyên & Môi trường làm nhiệm vụ quản lý tài nguyên mà không quản lý được đất thì quản lý cái gì. Ông Trung cho rằng vấn đề là trách nhiệm ở đâu, ai quản lý, phân công phân cấp thể nào. Làm công tác quản lý mà không biết là không được.
Cũng trong chương trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã báo cáo giải trình các nội dung còn tồn đọng tại các chương trình tiếp xúc cử tri trước; thông tin về các vướng mắc nhận được trước chương trình HĐND với cử tri lần thứ 6 và thông tin các nội dung đã đến thời hạn giải trình.