Chợ tự phát tại ngõ phố 54 Lê Hữu Trác (Sơn Trà, Đà Nẵng) không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm mà còn có nguy cơ lây lan dịch Covid - 19 rất cao (ảnh chụp ngày 27/5) |
Chợ An Hải Đông (phường An Hải Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng) nằm lọt thỏm trong giữa khu dân cư của 2 đường Nguyễn Duy Hiệu và Lê Hữu Trác. Vì không nằm ở mặt tiền, muốn vào chợ, người dân phải đi qua 2 lối qua kiệt (ngõ phố) 38 Lê Hữu Trác hoặc kiệt 54 Lê Hữu Trác. Nhiều năm nay, người dân có nhà ở kiệt 54 Lê Hữu Trác đã tận dụng vị trí “đắc địa” để biến kiệt 54 trở thành 1 chợ tự phát ngay trước khi vào chợ An Hải Đông. Những hộ dân có nhà ở kiệt này đã tự ý cho thuê mặt bằng để các hộ kinh doanh thực phẩm kinh doanh buôn bán các mặt hàng như rau củ quả, thực phẩm tươi sống….Tuy nhiên, do địa bàn nằm ngoài khu vực quản lý của Ban quản lý chợ An Hải Đông, vì vậy, hoạt động của các cá nhân này không ai kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao.
Để đảm bảo phòng chống dịch Covid – 19, phường An Hải Đông và BQL chợ An Hải Đông (thuộc BQL các chợ quận Sơn Trà) đã lập chốt kiểm soát việc ra vào chợ tại đầu và cuối 2 kiệt 38 và kiệt 54 Lê Hữu Trác. Cùng với việc nhiều người tiêu dùng đã có thói quen mua sắm “tranh thủ”, không muốn dừng xe vào chợ, vô hình chung, các hộ kinh doanh thực phẩm tự phát tại kiệt 54 Lê Hữu Trác lại trở thành nơi lí tưởng để người dân mua bán.
Ghi nhận, mặt tiền của một nhà người dân trong kiệt 54 khoảng 5 mét nhưng có khi có đến 4 – 5 hộ buôn bán ngồi chen chúc. Vì diện tích nhỏ, các hộ kinh doanh này ngồi lấn chiếm ra giữa lòng lề kiệt, cùng với việc người dân dừng xe giữa kiệt mua bán khiến kiệt 54 lúc nào cũng đông đúc người, không đảm bảo giãn cách phòng chống dịch. Trong khi đó, tiểu thương trong chợ An Hải Đông có quầy sạp, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm nhưng lại vắng khách.
Một số hộ bán cá, bán rau trong kiệt 54 Lê Hữu Trác khi vắng khách thì mang hàng ra giữa đường Nguyễn Duy Hiệu để chèo kéo khách (Ảnh chụp ngày 27/5) |
Mặt khác, đối với các hộ kinh doanh và người giúp việc trong chợ An Hải Đông có thẻ ra vào chợ được BQL chợ cấp, thì những hộ kinh doanh thực phẩm tự phát tại kiệt 54 Lê Hữu Trác thì lại không được kiểm soát như vậy. Đáng chú ý, các hộ buôn bán này lúc đông người thì ngồi tại vị trí bán hàng đã thuê, nhưng lúc vắng khách (nhất là khoảng gần trưa) thì lại mang hàng ra bán rong ở đường Nguyễn Duy Hiệu, tạo ra cảnh lộn xộn.
"Việc buôn bán tự phát này ở khu vực nhà dân nên BQL chợ không thể can thiệp. Tuy nhiên, nếu rủi có trường hợp nhiễm Covid - 19 trong khu vực chợ tự phát thì lại bị quy là ca nhiễm ở chợ An Hải Đông do 2 kiệt này nằm trong chốt kiểm soát dịch vào chợ. Vì vậy, tiểu thương trong chợ rất bức xúc", đại diện BQL các chợ quận Sơn Trà chia sẻ.
Nhiều ngày nay, chợ Hòa Khánh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) hầu như không có kiểm soát lượt người ra vào chợ vào buổi chiều (ảnh chụp chiều 28/5) |
Chợ Hòa Khánh (phường Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng) là chợ lớn nhất trên địa bàn quận Liên Chiểu. Đây là nơi thường xuyên có mật độ người ra vào chợ mua bán rất lớn. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, công tác quản lý người ra vào chợ Hòa Khánh rất lỏng lẻo, nếu không nói là làm cho có. Tại 4 cổng chính vào chợ đều có thiết lập chốt kiểm soát người ra vào chợ, thu thẻ ra vào chợ và đo thân nhiệt cho người dân trước khi vào chợ nhưng, việc kiểm soát này chỉ thực hiện khoảng từ 6 giờ sáng đến 10 giờ sáng, sau đó, chợ “thả cửa”. Ghi nhận tại chợ trong thời gian trưa, chiều tại chợ Hòa Khánh lượng khách ít, việc giãn cách phòng chống dịch đảm bảo, nhưng việc không kiểm soát người ra vào, trong trường hợp có ca nhiễm Covid – 19 đi chợ sẽ không thể kiểm tra được thông tin cũng như việc điều tra dịch tễ sẽ gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, tại phía mặt trái chợ Hòa Khánh các nút giao Nguyễn Đình Trọng với Đồng Bài 1, Bạch Thái Bưởi, Đoàn Trần Nghiệp chỉ căng dây để chặn phương tiện ra vào chợ, không có lực lượng kiểm soát. Nhiều người dân đã dừng xe và bước qua dây căng để vào chợ, thậm chí có người còn nâng dây căng lên và chạy xe vào chợ như bình thường.
Ngoài ra, xung quanh các mặt của chợ Hòa Khánh cũng là điểm nóng về bán hàng rong, bán hàng tự phát, lấn chiếm lòng lề đường, mất trật tự mỹ quan đô thị. Đặc biệt là ở mặt chợ phía đường Vũ Ngọc Phan và Nguyễn Đình Trọng thường xuyên tập trung nhiều hộ bán hàng rong thực phẩm các loại. Nhiều hộ dân có nhà ở đường Vũ Ngọc Phan tự ý cho thuê lề đường phía trước nhà để các hộ buôn bán thực phẩm, việc lấn chiếm lòng lề lường ở khu vực này xảy ra thường xuyên.
Phía ngoài chợ Hòa Khánh, mặt đường Trần Đình Trọng tình trạng bán hàng rong diễn ra thường xuyên, đông đúc cả trước và trong khi có dịch Covid - 19 (ảnh chụp tại chợ Hòa Khánh chiều 28/5) |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Đông cho biết, thực trạng buôn bán kiệt 54 Lê Hữu Trác đã diễn ra từ lâu. “Nhà của người dân cho thuê mình cũng không quản lý được. Phường cũng có thu thuế các hộ dân”, ông Sơn nói và cho biết thêm: Để kiểm soát trật tự đô thị khu vực quanh chợ An Hải Đông, phường đã lập tới 3 đoàn kiểm tra thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh ở kiệt 54 không lấn chiếm lòng lề đường, cũng như xử lý các hộ bán hàng rong. “Thực tế là cứ đội quy tắc đến thì hộ buôn bán dọn đồ lên đúng vị trí họ thuê, nhưng đội quy tắc đi họ lại bưng ra, thậm chí có một vài hộ (ghi nhận của PV là rất nhiều hộ) lấn ra lòng đường”, ông Sơn cho hay. Cũng theo ông Sơn, một lý do rất lớn của thực trạng trên đó là thói quen của người tiêu dùng. “Người dân không muốn gửi xe, dừng xe, nên họ cứ đi vào thấy tiện là dừng xe mua bó rau, con cá xong rồi đi”.
Theo ông Nguyễn Nhường – Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, chợ Hòa Khánh thường xuyên là “điểm nóng” về bán hàng rong, lấn chiếm lòng lề đường. “Lực lượng quy tắc thường xuyên trực ở chợ để phối hợp với BQL chợ chấn chỉnh vi phạm, những ai để xe ở lòng lề đường, buôn bán tự phát đều bị tịch thu. Nhưng người bán đối phó bằng cách thấy lực lượng quản lý thì bưng hàng lên, lực lượng quản lý đi thì lại bỏ hàng xuống”, ông Nhường thông tin.
Mặc dù dịch Covid – 19 tại TP. Đà Nẵng đã được kiểm soát tốt nhờ những nỗ lực trong truy vết, khoanh vùng. Tuy nhiên, nếu việc kiểm soát tại các chợ, nhất là các chợ tự phát lỏng lẻo, thì những nỗ lực ngăn chặn dịch Covid – 19 của các lực lượng tại TP. Đà Nẵng có thể “đổ sông đổ biển” nếu có ca nhiễm Covid – 19 đến mua bán tại các chợ này.
Ghi nhận tại các chợ loại I (do Sở Công Thương TP. Đà Nẵng quản lý), công tác phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát, chấn chỉnh tình trạng bán hàng rong được thực hiện nghiêm túc. Tại các điểm nóng bán hàng rong quanh các chợ Đống Đa, chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đầu mối Hòa Cường đã cơ bản thông thoáng. Ngay khi có trường hợp bán hàng rong lực lượng chức năng đã kịp thời xuất hiện để xử lý. |