Chưa xây dựng đã có nguy cơ “thừa mà thiếu”, “thiếu mà thừa”
Theo thống kê của Sở Công Thương Đà Nẵng, hiện thành phố còn hơn 500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có hiệu quả đang hoạt động sản xuất trong khu dân cư, nguy cơ gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường tại khu dân cư, cần được di dời vào khu, cụm công nghiệp (CCN).
Thiếu mặt bằng sản xuất là vấn đề nan giải của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đà Nẵng, đặc biệt là doanh nghiệp còn nằm trong khu dân cư |
Năm 2019, UBND TP. Đà Nẵng đã công bố quy hoạch và có quyết định đầu tư, xây dựng 4 CCN gồm CCN Cẩm Lệ, CCN Hòa Nhơn, CCN Hòa Khánh Nam và CCN Hòa Hiệp Bắc, với tổng diện tích đất vào khoảng 88ha. Nếu tính theo quy chuẩn xây dựng, thì đất công nghiệp được xây dựng nhà xưởng sản xuất là 48ha (55% diện tích quy hoạch). Trong khi nhu cầu đất của các doanh nghiệp cần di dời vào CCN lên tới 57ha.
Mặt khác, ông Nguyễn Hà Bắc - Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng - cho biết, theo quyết định của UBND TP. Đà Nẵng, các CCN sẽ được thành phố kêu gọi đầu tư theo hình thức công - tư (đối với CCN Cẩm Lệ, CCN Hòa Nhơn), và hình thức 100% vốn nhà đầu tư (đối với CCN Hòa Khánh Nam và CCN Hòa Hiệp Bắc). Nhưng đầu tư doanh nghiệp phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và chịu chi phí đất đai rất lớn. Sau khi nhận đất đầu tư doanh nghiệp phải triển khai xây dựng hạ tầng. Cộng gộp các yếu tố này lại thì giá thành cho thuê đất tại CCN dự báo sẽ không hề thấp. Trong khi, thành phố khuyến khích, yêu cầu doanh nghiệp di dời vào CCN thì phải có mức giá hợp lý để doanh nghiệp có thể chấp nhận và sản xuất được. Điều này thêm khó khăn vì các doanh nghiệp còn hoạt động sản xuất trong khu dân cư đều là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Các CCN vì vậy chưa xây dựng đã có nguy cơ “thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa”. Ông Nguyễn Hà Bắc cho rằng, đó là nghịch lý cần phải giải quyết, và đề xuất TP. Đà Nẵng nếu doanh nghiệp chấp nhận đầu tư xây dựng các CCN thì nhà nước sẽ bỏ ra một phần kinh phí đầu tư hạ tầng kết cấu cơ bản để đảm bảo hài hòa và hiệu quả hơn.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn đặt trong khu dân cư buộc phải sản xuất trong không gian chật hẹp, không mở rộng được sản xuất kinh doanh |
Thủ tục, thẩm định kéo lùi tiến độ xây dựng
Việc đề xuất xây dựng các CCN đã được doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Đà Nẵng đề xuất từ cách đây 4 - 5 năm. Ông Hà Giang - đại diện Hội Doanh nghiệp quận Cẩm Lệ - cho biết, trong tất cả các buổi đối thoại, tọa đàm với chính quyền thành phố, doanh nghiệp đều đề xuất cần sớm triển khai xây dựng CCN để doanh nghiệp di dời khỏi khu dân cư, mở rộng và ổn định sản xuất kinh doanh, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp vẫn phải chờ.
Cùng quan điểm với ông Hà Giang, ông Nguyễn Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng - cho biết, vướng mắc cơ bản và lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đó là thiếu mặt bằng sản xuất. "Khi đã có chủ trương xây dựng thì phải tổ chức triển khai nhanh để chủ trương đó đi vào cuộc sống, để giải quyết cho những doanh nghiệp có thế mạnh phát triển, sản xuất kinh doanh có trách nhiệm nhưng đang quá thiếu mặt bằng hoặc đang sản xuất lẫn lộn trong khu dân cư", ông Bình nói.
Về tình trạng xây dựng các CCN, ông Nguyễn Hà Bắc cho biết, hiện CCN Cẩm Lệ đã thực hiện kiểm kê 374/402 hồ sơ giải tỏa; dự án đang triển khai thi công giai đoạn 1 với diện tích 10,5ha, dự kiến tháng 9/2020 sẽ đi vào hoạt động; UBND quận Cẩm Lệ đang xây dựng quy chế cung cấp quản lý dịch vụ công tiện ích trong CCN, quy chế khai thác vận hành CCN. Đối với CCN Hòa Nhơn, thành phố đã phê duyệt kế hoạch giải pháp mặt bằng với tổng đầu tư là hơn 47 tỷ đồng, đã có mặt bằng sạch 14/27ha; Hiện nay ban giải phóng mặt bằng (GPMB) đang thực hiện đền bù và giải phóng mặt bằng với 155/288 hồ sơ bố trí tái định cư. Đối với CCN Hòa Hiệp Bắc, Hòa Khánh Nam thì UBND quận Liên Chiểu đã có báo cáo tác động môi trường, thành phố đã có chủ trương đầu tư công đối với công tác giải phóng mặt bằng và đang triển khai, trên cơ sở đó, UBND quận Liên Chiểu đã thành lập hội đồng GPMB để thực hiện công việc tiếp theo.
Lý giải về sự “ì ạch” trong xây dựng các CCN, theo ông Nguyễn Hà Bắc, các thủ tục liên quan đến công tác GPMB, đền bù, giải tỏa chiếm thời gian rất nhiều. Để đẩy nhanh tiến độ các CCN, ông Bắc cho rằng, Sở Công Thương đã tích cực công tác tham mưu xây dựng, cần có sự quyết liệt của các quận, huyện nơi triển khai dự án CCN để thực hiện tốt và hoàn thành nhanh việc GPMB; bên cạnh đó, các Sở, ngành liên quan cần tích cực rút ngắn thời gian thẩm định. “Đảm bảo đầy đủ thủ tục, quy trình, nhưng phải rút ngắn được thời gian, không có gửi qua gửi lại, góp ý qua góp ý lại”, ông Bắc nói.