Gặp khó đầu ra
Tại vịnh Mân Quang (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) có hơn 350 hộ nuôi cá lồng bè, với hơn 1.000 lao động. Trong đó, chủ yếu là người dân phường Thọ Quang có 128 hộ nuôi; phường Nại Hiên Đông có 109 hộ, hơn 200 khẩu là người dân địa phương mưu sinh bằng việc nuôi cá lồng bè.
TP. Đà Nẵng đang kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ toàn bộ số cá nuôi tại vịnh Mân Quang để hoàn thành việc tháo gỡ lồng bè trái phép trước 5/12/2021 |
Gần 2 năm cầm cự giữa mùa dịch Covid-19, giờ đây các hộ nuôi lồng bè tại vịnh Mân Quang lại tất tả đưa cá đi tiêu thụ khi thành phố có chủ trương tháo dỡ lồng bè.
Chị Trần Thị Xuân Thương (hộ nuôi lồng bè tại vịnh Mân Quang) cho biết, từ đầu năm đến nay, việc nuôi trồng tại các lồng bè đang gặp khó. Số tiền mà người dân sử dụng để mua thức ăn cho cá và sinh hoạt, duy trì nuôi trồng là rất lớn, nhưng nguồn thu rất thấp.
“Lồng của mình đang có hơn 10 tấn cá mú và vài tấn các loại cá khác. Dịch bệnh này không xuất được nhiều, so với giá chưa dịch thì giờ đã giảm xuống rất thấp, mùa Tết đến còn mong gỡ gạc được chút chứ thời điểm này khó bán lắm”. Chị Xuân Thương tâm sự.
Anh Lê Văn Hùng (hộ nuôi lồng bè tại vịnh Mân Quang) cho biết: Các hộ nuôi lồng bè tại vịnh đều chấp hành nghiêm lúc các yêu cầu từ chính quyền, nhưng các hộ dân đang gặp quá nhiều khó khăn, bán thì không được, giá giảm, bắt lên thì một nửa đem bán, một nửa đem đi phơi, đi muối mong dễ bán hơn. Cá rẻ quá không đủ bù lỗ, còn chưa đủ tiền thức ăn cho cá. Mình nuôi 2 tấn cá, mà mới 1 chỉ khoảng 1 tấn cá là vào mùa thu hoạch, còn 1 tấn thì miễn cưỡng bán.
Hiện tại, mấy tấn cá sủ của anh Hùng được bán với giá 70.000 đồng/ký, nhưng vẫn khó tiêu thụ. Anh Hùng cho biết, trước giờ những loại cá này chủ yếu do các nhà hàng thủy hải sản thu mua phục vụ du khách, nhưng hàng quán ế ẩm nên đầu ra gặp nhiều khó khăn.
“Người dân quen mua cá bớp, cá khế, cá mú... chứ cá sủ họ không chuộng. Cá sủ trước đây chủ yếu nhập sỉ cho nhà hàng, nhưng dịch bệnh nên đầu ra gặp khó. Cá cân quá ký, giá giảm nhiều vẫn không có người mua, bắt lên 50kg bán được 30kg là nhiều”, anh Hùng nói và cho biết thêm, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang là điểm tập kết tiêu thụ thủy hải sản, tuy nhiên, việc tái bùng phát các ca nhiễm tại đây trong những ngày qua lại khiến việc tiêu thụ của các ngư dân nuôi cá lồng bè gặp khó khăn hơn.
Hơn 1.000 lao động tại vịnh Mân Quang cần được hỗ trợ sinh kế để ổn định cuộc sống sau khi tháo dỡ lồng bè nuôi thủy sản |
Cần giải bài toán sinh kế sau khi tháo dỡ và dừng việc nuôi cá lồng bè
Ông Nguyễn Thành Nam – Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà - cho biết, việc chấm dứt nuôi cá lồng bè tại vịnh Mân Quang là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm mà quận Sơn Trà cần thực hiện trong năm 2021.
Thời gian qua, UBND TP. Đà Nẵng có nhiều văn bản yêu cầu chấm dứt việc nuôi cá bằng lồng, bè trên các sông và vịnh Mân Quang để bảo vệ môi trường, chỉnh trang đô thị; quận Sơn Trà và các phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động các hộ nuôi thủy sản trái phép gặp mặt, vận động các hộ dân nuôi trồng thủy sản trái phép tự tháo dỡ lồng bè.
Đến nay, có gần 300 hộ dân đã dần tháo dỡ di dời lồng bè, trả lại diện tích mặt nước thì vẫn còn gần 50 hộ dân của các phường Nại Hiên Đông, Mân Quang, An Hải Bắc... vẫn đang tồn lưu một lượng hải sản lớn lên đến cả trăm tấn.
Việc nuôi trồng thủy hải sản trái phép vẫn còn ngổn ngang nhiều bài toán mà việc giải quyết vẫn loay hoay, kéo dài từ nhiều năm đến nay.
Anh Lê Văn Hùng (hộ nuôi lồng bè tại vịnh Mân Quang) chia sẻ: “Nhà nước cũng có hỗ trợ người dân nhưng chuyển đổi nghề không khả quan, người dân sống nghề này chục năm rồi, giờ đi thì biết làm gì. Đây là quê mình mà chuyển đi nơi khác thì đâu có ai chịu đi”.
Nhiều người dân đã dựng các nhà tạm trên vịnh Mân Quang để sinh sống và trông coi chăm sóc các lồng bè hải sản như cá mú, cá hồng, nghêu..., đây chính là nguồn thu nhập duy nhất mà người dân vịnh Mân Quang đang có.
Việc tháo dỡ lồng bè tự phát là điều cần thiết nhằm bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, điều các hộ dân đang cần lúc này là một phương án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và các phương án hỗ trợ hợp lý.