Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài gần 22 tỷ USD Doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài 11,67 tỷ USD |
Việt Nam đầu tư ra nước ngoài 22,1 tỷ USD
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 5/2023, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 1.648 dự án, với tổng vốn đăng ký 22,1 tỷ USD. Trong đó có 141 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước với tổng vốn đầu tư 11,67 tỷ USD, chiếm gần 52,8% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.
Unitel là thương hiệu của Tập đoàn Viettel đầu tư tại Lào |
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài ở nhiều lĩnh vực, nhưng tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng, chiếm 31,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản, chiếm 15,6%. Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào với 24,4%; Campuchia 13,3%; Venezuela 8,3%…
Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam được bắt đầu từ năm 1999 với Nghị định số 22/1999/NĐ-CP được ban hành tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, trong giai đoạn 1999-2004 đầu tư ra nước ngoài bắt đầu khởi động, có 42 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép đang còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 1,34 tỷ USD, chiếm gần 6,2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.
Giai đoạn 2005-2010 là giai đoạn bùng nổ của đầu tư ra nước ngoài sau khi Luật Đầu tư 2005 được ban hành và Nghị định số 78/2006/NĐ-CP quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam được ban hành. Giai đoạn này có 341 dự án đang còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 10,1 tỷ USD, chiếm 46,6% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.
Giai đoạn 2010-2016, đầu tư ra nước ngoài tiếp tục duy trì ở mức cao với 512 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký đạt 7,5 tỷ USD, chiếm 34,7% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2017-2022, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam có xu hướng suy giảm, với tổng vốn đăng ký chỉ đạt khoảng 2,73 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp gặt hái được thành công tại thị trường nước ngoài |
Phát biểu tại sự kiện ra mắt cuốn sách “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar” diễn ra mới đây, ông Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chủ tịch HĐTV Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế ISC, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng biên soạn cuốn sách cho rằng: Đầu tư ra nước ngoài tại Việt Nam dù đã đạt được một số thành công nhất định khi một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam tạo được dấu ấn trên thị trường quốc tế, mang lại lợi nhuận về cho đât nước như: Viettel, TH, FPT, Vinamilk… song vẫn còn nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài vì một số lý do phải giải thể hoặc dừng hoạt động.
Trong khi đó, đánh giá về chặng đường hơn 2 thập kỷ đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam kể từ Nghị định số 22 vào năm 1999, ông Chu Công Phùng – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Myanmar cho rằng: Dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ so với các nước trong khu vực và chưa tương xứng với quy mô phát triển của nền kinh tế.
Cần làm rõ nguyên nhân thành công, thất bại của hoạt động đầu tư ra nước ngoài
Cũng theo ông Phan Hữu Thắng, sự quá thận trọng trong việc điều chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách và những hạn chế trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã làm giảm khát vọng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp, làm giảm hiệu quả của đầu tư ra nước ngoài.
Để nâng cao hiệu quả dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, bên cạnh làm rõ những nguyên nhân dẫn đến thành công, thất bại của hoạt động đầu tư ra nước ngoài, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cần phần tích rõ khung khổ pháp lý đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam cũng như các nước tiếp nhận đầu tư để chỉ ra lợi nhuận, khó khăn đối với doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài.
Tại cuốn sách “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar” vừa được công bố, tác giả cũng khuyến nghị với Chính phủ về định hướng và các giải pháp thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từ nay đến năm 2030.
Theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã cho phép các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, khai thác tài sản chiến lược, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến của nước ngoài... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu rộng, hiệu quả vào nền kinh tế thế giới. |